Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

10/01/2018 | 10:37

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch 120/KH-UBND về thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong mọi người dân Tuyên Quang, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc và xây dựng lối sống làm mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phấn đấu đạt từ 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Phấn đấu đạt từ 20%-25% người dân ở khu vực nông thôn; 15%-20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành. Phấn đấu 100% số xã, phường, thị trấn có tủ sách cơ sở.

Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc phấn đấu 40%-50% người dân có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản, phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 06 bản/người dân và đạt 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân đọc trung bình 02 cuốn sách/năm; Phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 50.000 lượt/năm; Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp…

Định hướng đến năm 2030 người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác.

Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc. Cụ thể, tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… xây dựng và duy trì thói quen đọc (xuất bản phẩm in và điện tử, trong đó tiếp tục chú trọng sách in) phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc (nhà trường, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách...) và tăng cường vai trò của gia đình, dòng họ học tập.

Hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội; tổ chức giao lưu, trao đổi, nói chuyện về những cuốn sách hay, đặc biệt là sách phục vụ hoặc có ích cho công tác chuyên môn.

Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại

Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng hiện đại, tập trung xây dựng thư viện cấp xã có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; chú trọng phát triển thư viện trường học, trọng tâm là xây dựng cổng thông tin điện tử thư viện Trường Đại học Tân Trào, các trường chuyên nghiệp, trường phổ thông trung học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thí điểm xây dựng thư viện điện tử phục vụ cộng đồng và nguồn học liệu mở cho trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện.

Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đến các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, trại giam, trại tạm giam, trung tâm bảo trợ, cơ sở cai nghiện, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng...

Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của văn hóa đọc đối với cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; Mở rộng hợp tác phát triển văn hóa đọc…

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn.

(Theo tuyenquang.gov.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×