Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tọa đàm “Hội hè lễ nghi ở Việt Nam”

22/12/2017 | 10:19

Tối ngày 21/12, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) tổ chức buổi tọa đàm “Hội hè lễ nghi ở Việt Nam” nhân dịp tái bản cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của học giả Nguyễn Văn Huyên (1908-1975).

Cuốn sách Hội hè lễ tết của người Việt.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả gồm nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tiến sĩ Mai Anh Tuấn... 

Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Tiết Thanh Minh và sự giữ gìn mồ mả ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ của Việt Nam cùng những tục cúng lễ trừ tà ma mùa hè, Tết Trung thu...

Hội hè lễ tết của người Việt” tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ - tết - hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống.

Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng.

Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.

Sức hút của buổi tọa đàm đối với đông đảo độc giả cho thấy những trang viết của Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình tìm hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống nước nhà.

Tên tuổi và sự nghiệp học giả Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bởi lẽ ông chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 cho đến năm 1975.

Bình Nguyên (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×