Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

14/12/2022 | 10:11

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao (VHTT) được xem là cơ sở cho việc hoàn thiện hạ tầng văn hóa. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thanh Hóa: Hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Nhà Văn hóa - khu thể thao thôn Phúc Tâm, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy).

Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của hệ thống thiết chế VHTT đối với sự phát triển chung, những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, ngày 11-9-2014 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND về thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác hoàn thiện thiết chế VHTT, như ban hành thiết kế mẫu nhà VHTT ở thôn và tương đương; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý và nghiệp vụ tổ chức hoạt động VHTT; triển khai thực hiện lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng và mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho các thiết chế VHTT; thành lập ban chủ nhiệm, ban hành nội quy, quy chế hoạt động của trung tâm VHTT xã...

Đặc biệt, trên cơ sở Kế hoạch số 119/KH-UBND, những năm qua công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT cơ sở được các huyện, thị, thành phố chú trọng, tích hợp nội dung quy hoạch thiết chế VHTT vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hệ thống thiết chế VHTT được đầu tư xây dựng theo hướng tiếp cận các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đó từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân ở các vùng, miền...

Tính đến nay, các thiết chế VHTT cấp tỉnh đã từng bước được quy hoạch như Thư viện tỉnh, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao, Sân vận động tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Nhà Văn hóa lao động tỉnh. Đối với thiết chế VHTT cấp huyện, đến nay, 27/27 đơn vị đã quy hoạch trung tâm VHTT tích hợp trong quy hoạch kinh tế - xã hội; trong đó, 20/27 địa phương có Trung tâm VHTT, đạt tỷ lệ 74%; có 2 đơn vị quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi là TP Thanh Hóa và huyện Nga Sơn. Đối với thiết chế VHTT xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố về cơ bản đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích theo quy định và đáp ứng nhu cầu hoạt động VHTT của cộng đồng dân cư. Tính đến ngày 30-11-2021, toàn tỉnh có 551/559 xã đã quy hoạch quỹ đất xây dựng Trung tâm VHTT tích hợp trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 91,9%); có 532/559 xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (hội trường đa năng, trung tâm VHTT) phục vụ cộng đồng, đạt tỷ lệ 95,2% (trong đó có 280 Trung tâm VHTT xã, đạt tỷ lệ 50,19%).

Cùng với việc xây dựng hệ thống thiết chế VHTT, việc hoàn thiện bộ máy tổ chức cho các thiết chế ở cấp huyện cũng được các địa phương quan tâm. Theo số liệu thống kê của các huyện, thị xã, thành phố thì hiện số cán bộ làm việc trong các thiết chế VHTT cấp huyện là 404 người. Trong đó, 382 người có trình độ đại học trở lên, chiếm 95%; 22 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, chiếm 5%. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại các thiết chế VHTT được sắp xếp, bố trí phù hợp với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ văn hóa cấp xã có 559 người; số người phụ trách, trông coi nhà văn hóa thôn, bản là 4.357 người.

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế VHTT thời gian qua đã từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của Nhân dân ở các vùng, miền. Đồng thời, các thiết chế VHTT đã thể hiện tốt vai trò và chức năng, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân. Các hoạt động diễn ra tại hệ thống thiết chế VHTT đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; cũng như góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, rèn luyện thể chất của Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bộ máy, quy chế hoạt động của thiết chế VHTT, nhất là cấp xã, phường, vẫn chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng. Phần lớn các xã chưa thành lập được bộ máy (ban chủ nhiệm) trung tâm văn hóa xã theo quy định. Chính vì vậy việc xây dựng và tổ chức hoạt động tại Trung tâm VHTT xã hạn chế, chưa khai thác và phát huy hết chức năng, công năng của thiết chế này. Trong khi đó, một số địa phương chưa xây dựng được trung tâm VHTT xã; nhiều nhà văn hóa thôn, phố chưa đạt chuẩn, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị (tăng âm, loa máy, bàn ghế, dụng cụ thể thao đơn giản...). Việc thiếu cơ sở vật chất VHTT và bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện, đã và đang ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động và thu hút người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở.

Để từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, thời gian tới các ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách về định mức kinh tế, kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất bên trong thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT các cấp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa tại các thiết chế văn hóa các cấp; khai thác, phát huy tối đa cơ sở vật chất, giảm biên chế, tránh lãng phí đầu tư công... Qua đó, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả công năng của hệ thống thiết chế VHTT, từng bước nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa và đời sống văn hóa - tinh thần của người dân.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×