Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Số hóa di sản ở Ninh Bình

03/05/2024 | 16:51

Ngày 2/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026 phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là một trong những chủ trương, chính sách lớn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho cộng đồng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi.

Là địa phương ken dày các di tích lịch sử, văn hóa, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình này.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 1.

Du khách đến tham quan tại Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư

Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư hiện đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá. Thời gian qua, bên cạnh việc sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực Nhà trưng bày "Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê", Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật thông qua việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm để quảng bá trên các cổng thông tin du lịch thông minh. Khi hiện vật được số hóa sẽ phát huy giá trị di sản hơn nữa trong cộng đồng, đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Việc áp dụng công nghệ thuyết minh tự động bằng 4 thứ tiếng qua phần mềm check mã QR là giải pháp công nghệ hữu ích, giúp du khách tự tìm hiểu thông tin ở bất cứ thời gian, địa điểm nào, tạo sự hấp dẫn cho mỗi chuyến đi.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 2.

Thực hiện Chương trình số hóa Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2023 của Chính phủ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin và tạo lập Cơ sở dữ liệu một số hiện vật tiêu biểu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho Bảo tàng Ninh Bình”. Tới nay, Bảo tàng Ninh Bình đã xây dựng được website tại địa chỉ: baotangtinh.ninhbinh.gov.vn với các hạng mục tin tức hoạt động, phóng sự ảnh, triển lãm… và đặc biệt là công nghệ tham quan Bảo tàng theo hình thức thực tế ảo VR Tour360, giúp người dân có thể tham quan, chiêm ngưỡng mọi không gian, hiện vật của Bảo tàng ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt trên hệ thống này cũng tích hợp, kết nối với các điểm tham quan di tích khác như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Sầy, đền Thánh Nguyễn và núi Non Nước.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 3.

Hiện Bảo tàng đã số hóa dữ liệu được gần 1000 hiện vật, hồ sơ kèm theo hiện vật, trong đó có 50 hiện vật đã được ứng dụng công nghệ 3D để du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm online. Để chuyển đổi số tại Bảo tàng thành công thì khâu đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực thích ứng với phương thức làm việc mới là điều luôn phải chú trọng.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 4.

Hiện Bảo tàng Ninh Bình đã số hóa dữ liệu được gần 1000 hiện vật, hồ sơ kèm theo hiện vật.

Để thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã xây dựng và ra mắt mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" tại một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin về di tích. Hoạt động này mang ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Đến nay, Tỉnh đoàn đã xây dựng được 10 điểm quét mã QR tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư giúp quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, giới thiệu về các đặc sản nổi tiếng địa phương, làng nghề truyền thống, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

Để có được những kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là việc khắc phục rất nhiều khó khăn về con người, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong thời gian đầu triển khai tại các điểm du lịch và di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình hiện có 388 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 5 bảo vật quốc gia. Đến thời điểm này, công tác số hóa di sản đã và đang được các cơ quan, đơn vị, Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư quan tâm và đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, yêu cầu đặt ra là để việc số hóa di sản thật sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn, thì vấn đề quan trọng là phải phát huy giá trị di sản. Từ ý nghĩa đó, Ninh Bình đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển biến rõ rệt về việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến với các di tích lịch sử, văn hóa của Ninh Bình thời gian qua.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 5.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An

Ninh Bình liên tục được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế như Telegraph, Tripadvisor, Business Insider… bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Mới đây nhất, chuyên trang Traveller Review Awards bình chọn Ninh Bình là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023. Trong năm, toàn tỉnh Ninh Bình đã đón gần 6,6 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022 và đạt 123,33% so với kế hoạch năm 2023. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 6.500 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,5% so với kế hoạch năm.

Số hóa di sản ở Ninh Bình - Ảnh 6.

Du khách quốc tế đến tham quan Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An ngày càng tăng qua các năm.

Việc số hóa các Di sản trong công tác quản lý, bảo quản các hiện vật lịch sử, địa chỉ đỏ, nhằm phục vụ tốt hơn công tác lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch hiện đại, bền vững, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ./.

Theo nbtv.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×