Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Rà soát vướng mắc thực hiện Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số khu vực miền Trung -Tây Nguyên

01/07/2023 | 13:00

Ngày 30/6, tại Khánh Hòa, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền Trung -Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

Hoàn thành một số chỉ tiêu

Được biết, hội nghị sơ kết này được tổ chức nhằm sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình ở 3 khu vực và hội nghị toàn quốc để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc, đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của chương trình đã được phê duyệt.

Rà soát vướng mắc thực hiện Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số khu vực miền Trung -Tây Nguyên - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến 31/5/2023, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình trong khu vực đạt hơn 1.397 tỷ đồng, đạt 10,62%. Được biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 985 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố.

Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).

Trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế (11,04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5,37%), Đăk Nông (5%)...

Ngoài ra còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỉ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao như: Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố…

Cần có hướng dẫn cụ thể thống nhất, dễ áp dụng

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Quảng Trị đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị năng lực cho đội ngũ thực hiện, đặc biệt cán bộ ở địa phương trước khi thực hiện Chương trình. Trong đó, ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình hoặc hướng dẫn một số nội dung mới là cần thiết.

Còn đại diện tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc nhận thức đúng, đầy đủ các chính sách, các văn bản pháp luật quy định để tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Chương trình là vấn đề không đơn giản đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Trong khi đó, các văn bản pháp luật triển khai thực hiện Chương trình lại quá nhiều, quá dài, chưa thống nhất, khó hiểu… gây lúng túng, khó khăn, nhận thức sai trong thực hiện.

Tỉnh này đề nghị, việc ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cần phải thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Đồng thời cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động, am hiểu tường tận các chính sách, pháp luật để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Chương trình.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một quyết sách quan trọng, lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của Chương trình" – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết.

Ghi nhận các ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 tại các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương./.

T. Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×