Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa

08/10/2018 | 10:49

Thời gian qua, các di sản văn hóa từng bước được nhận diện giá trị, đầu tư đồng bộ trong công tác bảo tồn và phát huy, góp phần không nhỏ vào công tác quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh.

Đầu tư hiệu quả

Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây đã cho thấy việc dồn nguồn lực, thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp đang ngày càng phát huy hiệu quả rõ nét, thu hút du khách thập phương đến chiêm bái.

Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2018 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm.

Có thể kể đến như quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều với 14 di tích trải rộng tại các xã An Sinh, Tràng An, Thủy An, Bình Khê với nhiều địa danh nổi tiếng như đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, Thái Miếu… ghi nhiều dấu ấn vô giá về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của triều đại nhà Trần - một trong những triều đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc. Vì vậy, công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch đã được thị xã quan tâm đặc biệt bằng nhiều việc làm thiết thực, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tới các thôn, khu trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ các di sản; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học để lập hồ sơ quản lý nhằm bảo tồn giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Năm nay, Thái Miếu (tọa lạc tại thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh) đã được thị xã đầu tư trùng tu, tôn tạo trên nền kiến trúc gốc của di tích bằng nguồn xã hội hóa, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Thái Miếu được khởi công xây dựng, tôn tạo vào năm 2014 với tổng mức kinh phí trên 103 tỷ đồng và được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm xây dựng 5 gian tiền tế và hậu cung; giai đoạn 2 xây dựng khu di sản, nhà trưng bày; giai đoạn 3 xây dựng khuôn viên cây xanh. Đến nay, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hoá trị giá khoảng 70 tỷ đồng, gồm: Nhà Thái Miếu và phần nội thất thờ tự; nhà khách, thủ từ; am hóa vàng; nhà quản lý, dịch vụ và các công trình phụ trợ... Thái Miếu được bố cục kiểu chữ Công, làm bằng gỗ nhóm I, mái lợp ngói mũi sen, nền lát gạch bát, chân tảng được chế tác bằng đá xanh nguyên khối. Hình thức kiến trúc, bài trí thờ tự được thiết kế phỏng dựng theo lối kiến trúc thời Trần. Có thể nhận thấy rằng, Thái Miếu với một diện mạo hoàn toàn mới, khang trang, quy mô hơn sau quá trình được tu bổ và tôn tạo. Đây là công trình có giá trị rất quan trọng trong quần thể di tích cùa nhà Trần, góp phần vào việc phát triển của loại hình du lịch tâm linh trên địa bàn thị xã.

Phát huy giá trị của các di tích gắn với phát triển du lịch, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo nhằm bảo tồn các di tích gốc. Hiện nơi đây cũng đang tiếp tục triển khai, hoàn thiện khu trung tâm văn hóa, tổ chức lễ hội, dịch vụ du lịch mang sắc thái riêng, xứng tầm là Khu di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, khi đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, du khách được trải nghiệm những không gian mới với những hạng mục công trình được đầu tư, tôn tạo và mở rộng, như: Bãi đỗ xe ở khu vực dốc Hạ Kiệu, tuyến cáp treo mới từ chùa Hoa Yên đến nhà ga số 4 (cách chùa Đồng hơn 500m); trung tâm văn hóa Trúc Lâm.

Theo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm có tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan chủ đạo mang cảm hứng thiền và tâm linh. Bố cục không gian khá đơn giản, đối xứng không hoàn toàn qua một trục chính - trục tâm linh nối từ chùa Giải Oan tới dốc Hạ Kiệu. Đặc biệt, làng hành hương là một trải nghiệm thực sự mới mẻ cho du khách. Đó là những trải nghiệm về đời sống sinh hoạt của cư dân trong một khu dịch vụ mang hình dáng một ngôi làng truyền thống với những nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm, hàng thủ công, xóm thuốc đông y và nơi nghỉ cho khách hành hương. Thời gian tới, khu nghỉ dưỡng 5 sao, cung Trúc Lâm, Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được hoàn thiện và đưa vào phục vụ du khách.

Ngoài những khu di tích trên, các khu di tích như: Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), chùa Đống Phúc (TX Quảng Yên), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)… cũng đã và đang thu hút nguồn lực đầu tư rất lớn. Qua đó, đã tạo điểm nhấn cho du lịch Quảng Ninh, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bảo tồn để phát triển bền vững

Trong những năm qua, ngành văn hóa và các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm sức để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng kịp thời nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá của tỉnh, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Sở VH-TT đã chủ trì thực hiện 14 đề tài nghiên cứu, đến nay, những di sản được nghiên cứu sưu tầm, phục dựng không chỉ là nguồn tư liệu quý giá cung cấp đầy đủ những thông tin xác thực, phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin cho công tác quản lý, hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, mà còn góp phần phát triển du lịch, dịch vụ. Hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện từ các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu đã giúp cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, thống kê các tư liệu, hiện vật về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầy đủ và toàn diện hơn; công tác kiểm kê di tích được tiến hành thường xuyên theo định kỳ hàng năm, nhằm kịp thời phát hiện và bổ sung những địa điểm đủ điều kiện đưa vào danh mục di tích, lựa chọn các di tích đủ tiêu chuẩn để đề nghị xếp hạng di tích các cấp.

Những năm qua, việc bảo tồn, khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống ngày càng có hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội thu hút được nhiều nhân dân, du khách tham gia như lễ hội đình Đầm Hà, đình Làng Dạ, đình Lục Nà… Hầu hết dự án, đề tài khoa học về di sản văn hóa được triển khai thực hiện, các tư liệu quý trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được khảo sát, thống kê, sưu tầm kịp thời, góp phần quan trọng trong gìn giữ di sản. Qua công tác nghiên cứu, các nhà nghiên cứu còn đề xuất, kiến nghị được những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa để nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch ở các địa phương.

Có thể thấy rằng, việc phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa không chỉ góp phần bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, mà còn góp phần đưa các di sản văn hóa trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách, đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH.

Theo baoquangninh.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×