Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội "Trên quê hương vợ chồng A Phủ": Khơi dậy tiềm năng du lịch tại Sơn La

01/11/2023 | 17:02

Trong hai ngày 3,4/11 tại xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La sẽ diễn ra Lễ hội "Trên quê hương vợ chồng A Phủ".

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Lễ hội "Trên quê hương vợ chồng A Phủ" được tổ chức. Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử như: Lễ tạ ơn, các hoạt động văn hoá, văn nghệ múa khèn, thi ẩm thực và các trò chơi dân gian như giã bánh giầy, ném còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co… mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc nơi đây.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội "Trên quê hương vợ chồng A Phủ": Khơi dậy tiềm năng du lịch tại Sơn La - Ảnh 1.

Lễ hội "Trên quê hương vợ chồng A Phủ" lần đầu tiên được tổ chức hứa hẹn phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; thu hút đầu tư khai thác, phát triển tiềm năng du lịch địa phương

Điểm nhấn tại lễ hội là phần thi kể chuyện, vẽ tranh tạo hình nhân vật Mị và A Phủ, trưng bày các gian hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Được biết, xã Hồng Ngài là nơi viết lên tác phẩm chuyện tình "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài và cũng là nơi có bài hát "Bài ca trên núi" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tại đây, có địa danh nổi tiếng là hang A Phủ - gắn với tên nhân vật trong tác phẩm văn học nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa. Vì vậy có thể nói nhiều người, nhiều thế hệ học sinh đều biết đến nhân vật A Phủ. Đây chính là tiền đề thu hút sự chú ý cũng như mong muốn tìm hiểu, khám phá địa danh gắn liền với tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Hang A Phủ (hang Thẳm Cốp) nằm cách trung tâm xã hơn 3km. Hang sâu khoảng 200m với hệ thống nhũ đá đẹp, nhiều hình dạng lạ mắt. Năm 1961, bối cảnh hang A Phủ đã được đưa lên phim Vợ chồng A Phủ. Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, chưa bị sự tác động của con người, cùng câu chuyện tình về Vợ chồng A Phủ, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Lễ hội là một hoạt động không chỉ giới thiệu được đến công chúng, du khách nét văn hóa, phong tục tập quán con người vùng cao mà còn hứa hẹn phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; thu hút đầu tư khai thác, phát triển tiềm năng du lịch địa phương.

Xã Hồng Ngài hiện có 5 bản, hơn 800 hộ, trên 4.000 nhân khẩu; gồm 5 dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống; trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 82% dân số. Lễ hội này là một trong những hoạt động góp phần "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" của xã Hồng Ngài nói riêng và Sơn La nói chung.

Hạ Yên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×