Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh thành Chánh điện chùa Dơi

09/03/2010 | 07:00

Chùa Dơi tọa lạc tại phường 3, TP. Sóc Trăng là một báu vật văn hóa quốc gia. Chùa theo Phật giáo Nam tông do người Khmer xây dựng vào năm 1569, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999 và là ngôi chùa thờ duy nhất Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng.

Ngôi chánh điện chùa Dơi đã được phục dựng trong niềm hân hoan của bà con Khmer Năm 2008, chánh điện của chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi. Sau đó được sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực xã hội khác, chánh điện đã được phục tráng và khánh thành vào ngày 5.3.2010 vừa qua.

360 ngày chờ đợi phục dựng

Ông Trần A Quăng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sau hơn hai năm bị hỏa hoạn, dự án phục tráng khu chánh điện chùa Dơi đã hoàn thành. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,5 tỉ đồng do Trung ương hỗ trợ, khu chánh điện được phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ.

Việc xây dựng tổng thể công trình cũng như các chi tiết từ mái ngói, thân cột, bệ Phật đến hoa văn, hình ảnh chạm vẽ trên tường đều đã tuân thủ theo những quy định về kích thước, quy cách về chiều dài, chiều rộng, chiều cao, mái và thân, khung cửa, nhà ở và điện thờ, chóp nóc, hành lang. Ngoài ra, những công trình phụ trong khuôn viên chùa như bờ kè ao cá, hồ sen, hệ thống thoát nước... cũng được nâng cấp để tạo cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp.

Để thực hiện công trình có ý nghĩa này, nhiều phương án được đưa ra tham khảo, cuối cùng Viện Bảo tồn di tích cam kết sẽ phục dựng lại hoàn toàn ngôi chánh điện như cũ. Ngày 26.6.2008, dự án phục tráng chánh điện chùa Dơi được khởi công, và sau 360 ngày thi công, đầu năm 2010, chánh điện chùa Dơi chính thức được hoàn thành.

Kiến trúc ngôi chính điện vẫn giữ được điểm độc đáo của hệ thống cấu trúc cấp mái gồm 3 cấp, mỗi cấp lại chia thành 3 nếp. Trên mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại.

Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái được đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc thuyền đua bơi. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng của một ngôi chùa Khmer: dáng vẻ đồ sộ, lộng lẫy, nhưng không nặng nề mà vươn cao, thanh thoát.

Mặt ngoài của chùa được trang trí các hình đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea-hu (Hổ phù), tiên nữ, nữ thần Kayno, Chằn, Krud,...

Bà con Khmer dự trại tại Lễ hội

Phía trong chánh điện là tượng Phật ngồi theo tư thế bán già, đầu đội một chỏm nhọn,  tượng Phật cứu độ chúng sinh. Trên các mặt tường chính điện còn có nhiều hình vẽ kể lại cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi thành đạo. Trên trần của chính điện cũng thường được vẽ kín các hình vẽ tả lại cảnh giao đấu giữa các tiên nữ và Chằn, cảnh tiên làm lễ, cảnh ÁPSARA dâng hoa...

Từ ngày 5 đến 7.3.2010, Sở VHTTDL, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã chính thức tổ chức lễ kiết giới - sây ma chánh điện chùa Dơi.

Thượng tọa Kim Rene, sư cả trụ trì chùa Mahatúp cho biết: Cách đây 3 năm lúc chùa bị cháy, bà con phật tử chúng tôi nghĩ không biết bao giờ mới làm lại được, vì đời sống bà con phật tử còn rất nhiều khó khăn. Ông xúc động nói: “May mà nhờ sự hỗ trợ 100% của Nhà nước nên chúng tôi mới phục dựng lại được.

Chúng tôi rất mừng, mừng lắm. Cảm ơn các anh cán bộ văn hóa nhà nước rất nhiều. Mấy năm dựng lại chánh điện, các anh từ Trung ương đến tỉnh mỗi khi về Sóc Trăng đều ghé thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mọi thứ. Nhờ vậy mới có đại lễ khánh thành bữa nay...”.

Đồng bào Khmer đi hội mừng “nhà mới”

Khi nghe tin chùa Dơi làm lễ kiết giới - sây ma, từ tối ngày 4.3 đã có hàng ngàn người dân Khmer trong tỉnh và khắp miền Tây Nam Bộ đã đổ về. Những lá cờ Phật tung bay, băng rôn chào mừng, cờ phướn được treo khắp nơi từ trung tâm TP. Sóc Trăng về khuôn viên chùa.

Từ chiều 4.3 đến sáng 5.3 có trên 500.000 phật tử là đồng bào Khmer các tỉnh ĐBSCL nườm nượp kéo về chùa thắp nhang, cúng bái mừng khu chánh điện được phục tráng khánh thành. Con đường dẫn vào chùa Dơi tấp nập người xe chen lấn. Tiếng cười nói rộn ràng lẫn với tiếng nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer làm lễ kiết giới mừng khánh thành “ngôi nhà tinh thần” của mình. Các cô gái Khmer xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống tươi tắn sắc màu.

Gặp anh Thạch Sơn cùng cả nhà từ ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) đón xe đò về dự lễ kiết giới – sây ma chùa Dơi, tôi thấy mắt anh lấp lánh dưới nắng chiều cứ ngước nhìn mái chánh điện như một ngọn lửa vàng giữa khu vườn rợp cây. Anh hồ hởi nói: “Đẹp quá ! Chú biết không, cách đây 3 năm, khi nghe chùa Dơi cháy, tui thất thểu chạy về thì thấy cả khu chánh điện đổ sập, tượng Phật chính bị cháy sém, các tượng bằng đất nung ngã đổ, mái ngói đổ ập xuống, tro bụi hoang toàn, tui gần như đã khóc... Chừ thì đẹp quá. Chú biết không, người Khmer bọn tui có câu: “Còn sống vào chùa gửi thân, khi chết vào chùa gửi cốt”, nên chùa thiết thân lắm với bọn tui”.

Ông Lâm Uôl, một cán bộ lão thành cách mạng đã gần 50 năm tuổi Đảng nói: “Tôi đã được chứng kiến nhiều cái lễ lớn của đồng bào Khmer, nhưng đây là mới là cái lễ mà bà con Khmer mới thực sự đến đông đủ như vậy. Dường như ai cũng mang cả nhà đến đây để thắp hương cho Phật tổ”.

Giải thích điều này, Thượng tọa Kim Rene, Sư cả trụ trì lần thứ 20 của chùa Mahatúp cho biết: Lễ khánh thành chánh điện mới của ngôi chùa như vầy là hàng trăm năm mới có một lần. Chùa với người Khmer là một “không gian tâm linh” rất đặc biệt. Vì thế bà con phật tử Khmer gần như đưa nhau đến chùa để thắp nhang, mừng khánh thành và cầu phúc. Bà con cho rằng đây là lễ hội trọng đại của Phật giáo mà đời người có duyên mới được tham dự một lần. Chùa chúng tôi lại có tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Wathsêrâytecho Mahatup, còn có nghĩa là do phúc đức tạo nên.

Giờ đây, dưới nắng chiều xuân, giữa khu vườn xanh rợp bóng cây rộng gần 7 ha, ngôi chánh điện như một tác phẩm với nhiều gam màu rực rỡ mang đậm nét văn hóa dân tộc Khmer nổi bật trên nền trời. 26 chiếc cột với tượng thiên thần đỡ vòm mái tạo ra một hành lang rộng quanh chùa. Mái chùa có dáng nhọn, cong vút với những con rồng vàng viền trên mái ngói.

(Theo Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×