Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Tuần Văn hóa- Thể thao- Du lịch và lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 2

13/05/2013 | 00:22

(VP) - Tối 11/5, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL phối hợp với thành phố Hải Phòng và 11 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 2.

Đây là một hoạt động trọng tâm của Chương trình Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng.”

Dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh (Trưởng ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2013); Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành; các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đoàn ngoại giao, đoàn khách quốc tế và đông đảo nhân dân thành phố Hải Phòng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2013 là cơ hội cho cả vùng tổng kết và đề ra phương hướng nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự đột phá để du lịch thực sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện các bộ, ngành và các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả; phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12% mỗi năm, đạt trên 10 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 50 triệu lượt du khách nội địa với tổng thu từ khách du lịch khoảng 18 tỷ USD, tạo thêm 3 triệu việc làm và đóng góp khoảng 7% GDP cả nước.

Để góp phần thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu của phát triển du lịch quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hải Phòng và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ như năng động, sáng tạo phát huy tốt nội lực và các lợi thế về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế để từng bước khẳng định tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung. Trước mắt, các bộ, ngành, đơn vị tổ chức thành công các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2013.


Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh liên kết, hợp tác và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch, trong đó cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên (đặc biệt các di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới); hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của nền văn minh lúa nước... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo, đa dạng mang đậm chất văn hóa, văn minh sông Hồng gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Hồng có sức cạnh tranh cao, trở thành điểm đến du lịch bền vững mang tầm khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý chính quyền các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững; tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững; qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, mến khách của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, hỗ trợ, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.

Ngay sau phần nghi lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc do NSND Lê Hùng đạo diễn với sự tham gia của hơn 1000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam. Chương trình nghệ thuật là sự kết hợp giữa âm nhạc, lời ca khúc, diễn xuất trên sân khấu và lời bình chất chứa tình cảm sâu lắng của NSƯT Lê Chức và NSƯT Kim Tiến đã thực sự trở thành điểm nhấn tôn vinh bản sắc văn hoá Việt.

Chương I “Trầm tích miền châu thổ” mở màn với cảnh hồng hoang của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, dòng sông mẹ chảy quanh lúc êm, lúc dữ dằn, bồi đắp phù sa cho quê hương. Cảnh lao động của người dân vùng châu thổ sông Hồng (cánh đồng lúa, trẻ chăn trâu, những người nông dân như những cánh cò trên đồng ruộng) được tái hiện sinh động trên sân khấu. Khí nhạc dạt dào trong ca từ của bài hát “Chảy đi sông ơi” (Nhạc sỹ Phó Đức Phương) được đẩy lên cao trào khép lại chương I.

“Những cánh buồm phù sa”
trong chương II được bắt đầu từ Thăng Long - Hà Nội, ngàn năm văn hiến qua ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp dưới sự thể hiện của ca sỹ Hồng Nhung. Một vùng nước non sơn nam lần lượt đưa khán giả đến với sự phát triển rộn ràng của Hà Nam, phiêu diêu Phật giáo Ninh Bình, dạt dào bay bổng Nam Định. Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình xuất hiện trong hoạt cảnh Bình minh ba tỉnh tiếng gà nghe chung trước khi đi theo vòng cung châu thổ để đến với Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và rồi quay về với Hạ Long huyền thoại (Quảng Ninh).


Và để lại nhiều ấn tượng với khán giả

Chương 3 với tiêu đề “Hải Phòng- Phượng hồng trong sắc màu thành phố” là điểm nhấn, “món quà riêng” của thành phố gửi tặng đến bạn bè muôn phương, du khách trong và ngoài nước. Chương trình dẫn dắt người xem, giới thiệu với du khách tiềm năng du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn, từ nội thành với địa danh kiến trúc, lịch sử đến Cát Bà, di sản thiên nhiên thế giới trong tương lai, một Đồ Sơn với phong cảnh sơn thủy hữu tình và những di tích, danh thắng quốc gia, địa danh đi vào lịch sử dân tộc như bến tàu không số K15, Bến Nghiêng, Đảo Dấu... Hay đó là vùng đất Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, nơi in đậm chứng tích hào hùng về những giai đoạn nhất định của lịch sử, địa danh du lịch được du khách ưa thích. Tiêu biểu là khu di tích trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, núi Voi. Chương trình tái hiện vẻ đẹp của các làng nghề như: tạc tượng Bảo Hà, mộc Kha Lâm, đúc Mỹ Đồng, vận tải An Lư, gốm Dưỡng Động, hoa Đằng Hải, thuốc lào Vĩnh Bảo, nước mắm Cát Hải, bún Trịnh Xá, chiếu cói Lật Dương, bánh đa Nông Xá, cau Cao Nhân,... hoặc đem đến hình ảnh giữa đại dương bao la quanh năm rì rào sóng biển, đảo Bạch Long Vĩ chờ đợi du khách khám phá những nét hoang sơ và kỳ vĩ.

Trước giờ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần 2, tại dải trung tâm thành phố Hải Phòng đã diễn ra Carnaval đường phố với sự tham gia của hơn 2000 người. Carnaval mang chủ đề “Văn minh sông Hồng” thể hiện qua 4 khối diễu hành mang các chủ đề: “Dòng chảy văn minh sông Hồng”, “Miền lễ hội”…

>> Một số hình ảnh tại lễ khai mạc

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×