Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh

19/11/2020 | 10:15

Với 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 74,31%, Hòa Bình là một mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tín ngưỡng độc đáo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 63 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, 35 lễ hội cấp xã, 22 lễ hội cấp thôn xóm. Việc phục dựng các lễ hội được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Nhiều lễ hội đã thất truyền từ nhiều năm qua nay được phục dựng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; 52 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Việc xây dựng, sửa chữa các di tích gắn với công tác phục dựng lễ hội được quan tâm. Qua đó góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý và tổ chức trong hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cũng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, chức năng của công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội. Việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, cảnh quan văn hóa tại các lễ hội được thực hiện tốt, nhiều hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội đã từng bước được khắc phục, đẩy lùi.

Hòa Bình: Tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Lễ rước kiệu tại Lễ hội khai hạ Mường Bi năm 2020.

Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở một số nơi chưa rõ nét; một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa được phục dựng; chưa kiên quyết xử lý những phát sinh tiêu cực trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống văn hóa cộng đồng; chưa dự báo đúng tình hình nên còn lúng túng, bị động trong công tác quản lý và tổ chức; việc kiểm tra, giám sát lễ hội chưa thường xuyên, xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe nên các vi phạm vẫn còn tái diễn. Một số lễ hội được tổ chức còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, phần lớn chú trọng phần lễ hơn phần hội, các trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức ít. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân tham gia lễ hội chưa tốt, còn vứt rác bừa bãi tại khu vực tổ chức lễ hội.

Trước những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã dành nhiều sự quan tâm, phối hợp trong việc tổ chức, quản lý các lễ hội. Đặc biệt là sự đầu tư hỗ trợ ngân sách về công tác tu bổ, tôn tạo, đồng thời có sự ủng hộ của nhân dân, phong trào xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục dựng, duy trì và nâng cấp quy mô một số lễ hội tại di tích trong tỉnh đã được bảo tồn và phát huy. Một số lễ hội đã được phục dựng, tổ chức quy mô, bài bản như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; Lễ hội Chùa Tiên - Lạc Thủy; Lễ hội Đền Bờ - Cao Phong + Đà Bắc; Lễ hội Rước Bụt và Lễ hội Đình Cổi - Lạc Sơn, Lễ hội Gầu Tào... Các lễ hội vẫn còn được bảo tồn, phát triển và phát huy tốt giá trị, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ cho việc phát triển du lịch. Đến nay có 19/68 di tích được xếp hạng gắn công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị với hoạt động tổ chức lễ hội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo việc tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả. Tránh phô trương, hình thức, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, phê bình, xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Công tác phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch từng bước được đẩy mạnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện quy định quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lập hồ sơ khoa học các hiện vật, di tích và danh thắng; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát huy giá trị di tích./.

Theo hoabinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×