Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hóa nổi bật các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ ngày 19/2 – 23/2

23/02/2018 | 14:54

Tưng bừng khai hội đầu xuân tại Hà Nội; Trao Quyết định Bảo vật Quốc gia bộ tượng 10 linh thú tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Phật tích; Hội vật Liễu Đôi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khai hội chợ Viềng Nam Định, Khai hội chùa Keo xuân Mậu Tuất là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ ngày 19/2 - 23/2.

Khai hội Gò Đống Đa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Hà Nội: Trong các ngày 20, 21/2/2018 (tức mùng 5, mùng 6 tháng Giêng) hàng loạt các lễ hội lớn tại Thủ đô Hà Nội đã tưng bừng diễn ra. Sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất (20/02/2018), lễ hội truyền thống kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã diễn ra tại cụm di tích lịch sử - văn hóa Gò Đống Đa với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn lãnh đạo Trung ương, Thành phố Hà Nội và quận Đống Đa. Ngày 21/02/2018, tức ngày mùng 6 tháng Giêng, một loạt lễ hội lớn của TP Hà Nội cũng đồng loạt khai hội như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… Ghi nhận trong các lễ hội diễn ra đầu năm 2018 tại Hà Nội là các lễ hội năm nay diễn ra khá trật tự, văn minh. Như tại hội Gióng, tình trạng chen chúc, tranh cướp lộc gây nhức nhối mọi năm đã không xảy ra. Lễ hội diễn ra trật tự, trang trọng, an toàn. Kịch bản lễ rước và lễ tạ vẫn đảm bảo đúng nghi thức truyền thống ghi trong hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản. Tại lễ hội chùa Hương, trong ngày khai hội vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc do hàng vạn du khách đi trảy hội. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai kế hoạch, bước đầu Lễ hội chùa Hương năm 2018 diễn ra khá thuận lợi, BTC chưa phát hiện cũng như chưa nhận được thông tin phản hồi về hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong khu vực tổ chức lễ hội.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội bơi chải thuyền rồng mở rộng vào mùng 9 tết (tức ngày 24-2) tại khu vực hồ Tây (Q. Tây Hồ). Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển sự kiện bơi chải thuyền rồng thành hoạt động xuyên suốt trong năm, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thủ đô đến với bạn bè, du khách quốc tế.

Bắc Ninh: Tối 20-2 (tức mùng 5 tháng Giêng), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Phật tích (huyện Tiên Du) diễn ra Lễ Công bố, đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia bộ tượng 10 linh thú.  Qua gần 2.000 năm lịch sử, chùa Phật tích luôn là trung tâm phật pháp, văn hóa, giáo dục của các triều đại phong kiến. Đến thời Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu (1057) chùa được xây dựng và không ngừng được trùng tu với quy mô lớn hơn, mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc cao, biểu trưng cho các thời kỳ. Trong hệ thống di sản còn lưu giữ lại, bộ tượng 10 linh thú là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo bậc nhất. Bộ tượng gồm 5 cặp: Ngựa, Tê giác, Trâu, Voi, Sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa tiền đường thuộc cấp nền thứ ba trong tổng thể năm cấp nền. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá nguyên khối vào thế kỷ XI, cùng thời điểm xây dựng chùa.

Sau pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh được công nhận vào năm 2012, đây là Bảo vật Quốc gia thứ 2 của chùa Phật Tích. Qua đó, góp phần khẳng định giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể của Di tích quốc gia Đặc biệt này.

Hà Nam: Sáng 20/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng) tại thôn Đống Tháp xã Liêm Túc (Thanh Liêm), UBND xã cùng đông đảo bà con nhân dân đã tổ chức Hội vật Liễu Đôi truyền thống năm 2018 và đón Bằng công nhận Hội vật Liễu Đôi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Liễu Đôi là tên gọi chung của những thôn, làng người dân quy tụ, định cư trên những gò, đống nơi vùng đất trũng thuộc xã Liêm Túc, đó là những thôn: Đống Cầu, Đống Sấu, Đống Thượng, Đống Tháp… Hội vật Liễu Đôi ngoài tưởng nhớ công ơn cha ông xây làng lập ấp còn mang ý nghĩa rèn luyện ý chí tự lập, tinh thần bất khuất của người dân luôn biết đối mặt với những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc hội vật Liễu Đôi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia chính là sự ghi nhận của Nhà nước đối với di sản văn hóa đặc sắc đất Hà Nam.  

Nam Định: Đã thành thông lệ, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, phiên chợ một năm chỉ họp một lần duy nhất tại Nam Định lại tấp nập dòng người nô nức kéo về “mua may, bán rủi”.

Chợ Viềng đầu xuân từ lâu đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương... Ngay từ chiều mùng 7 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên các nẻo đường về chợ Viềng tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã tấp nập du khách. Theo Ban tổ chức, dự kiến đến chiều ngày mùng 8 tổng lượng khách đi, về chợ khoảng 5-7 vạn người và hàng vạn xe ô tô, mô tô đổ về hai địa điểm chợ Viềng (Vụ Bản và Nam Trực). Để đảm bảo trật tự ATGT cho lễ hội, hai ngành Công an và GTVT đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ, công chức bố trí 12 chốt, 6 tổ tuần tra thực hiện phân luồng, hướng dẫn giao thông và tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự.

Thái Bình: Sáng ngày 19/2 (tức ngày mùng 4 Tết Nguyên đán), tại xã Duy Nhất (Vũ Thư) diễn ra lễ khai hội chùa Keo xuân Mậu Tuất 2018. Đây là hoạt động hàng năm nhằm tưởng nhớ đến công đức của Quốc sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng chùa đồng thời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tìm hiểu các giá trị văn hóa, nghệ thuật và tham quan kiến trúc, điêu khắc của chùa. Từ đó, xây dựng ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.Hội xuân năm nay, ngoài phần lễ với các nghi thức: mở cửa đền thánh, dâng hương, tế lễ, du khách thập phương còn được tham dự các trò chơi dân gian: thi chạy, kéo lửa thổi cơm, bắt vịt và xem du thuyền hát hội./.

GL (th)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×