Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh: "Du lịch Đà Nẵng phải chủ động quản lý rủi ro..."

27/05/2014 | 09:55

Ngày 24.5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh và an toàn cho du khách, trong thời điểm hiện nay.

Tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận, Trung Quốc (TQ) được xem là nguồn khách tiềm năng của ngành du lịch, chiếm thị phần lớn nhất trong top 10 thị trường khách quốc tế, được các hãng lữ hành khai thác suốt cả năm.

Tuy nhiên, mới đây, việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc vùng biển Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam), đã gây nên tâm lý bất an cho du khách khi đi du lịch đến thành phố và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của hầu hết các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL, trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng khách TQ đến Đà Nẵng ước đạt hơn 49.000 lượt, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng từ giữa tháng 5 trở đi, khách TQ sụt giảm mạnh 50-70%.

Không những thế, các thị trường khách du lịch nói tiếng Hoa như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… đã có sự dè dặt hơn khi đặt tour đến Đà Nẵng với tỷ lệ hủy tour gần 50%. Các thị trường khách quốc tế khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… cũng bắt đầu bị ảnh hưởng với tỷ lệ hủy tour vào khoảng 15-20%.

Khách hủy tour, hủy dịch vụ, các đường bay vắng khách là tình hình chung được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp lữ hành có khai thác khách TQ trên địa bàn thành phố hiện nay. Để giải quyết tình hình này, các hãng lữ hành đã chuyển hướng đưa khách sang các thị trường gần như Thái Lan, Singapore và các nước lân cận như Lào, Campuchia với giá tour ưu đãi hơn TQ để kích cầu khách mua tour.

Trước tình hình trên, ngày 23.5, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn và đại diện các hãng hàng không. Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện nay tình hình căng thẳng trên Biển Đông gây tâm lý lo ngại đối với du khách quốc tế. Tuy nhiên, an ninh trật tự tại TP Đà Nẵng hoàn toàn được đảm bảo, người dân Đà Nẵng thể hiện sự văn minh, lịch sự và mến khách, luôn chào đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch tại Đà Nẵng.

Để đảm bảo môi trường du lịch tại Đà Nẵng, lãnh đạo TP cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp du lịch TQ, đồng thời thông báo cho các đối tác nước ngoài về chủ trương của Chính phủ Việt Nam và của UBND TP Đà Nẵng về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bình thường, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch…


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm việc với lãnh đạo UBND TP và doanh nghiệp Du lịch Đà Nẵng

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho rằng, vấn đề bây giờ là phải xây dựng được niềm tin đối với khách du lịch, từ đó khắc phục tình trạng hủy tour, lượng khách quốc tế sụt giảm trong thời gian tới. Nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, Sở đã chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin các quận, huyện, Hiệp hội Du lịch, lữ hành, khách sạn, CLB hướng dẫn viên và các đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, nhất là với khách du lịch TQ.

Phát biểu với lãnh đạo TP Đà Nẵng và một số doanh nghiệp về tình hình khách TQ đến Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo, ngành du lịch thành phố nên chủ động quản lý rủi ro và nên đưa ra các giải pháp phòng ngừa, không để ảnh hưởng đến thị trường khách quốc tế khác, doanh thu du lịch cũng như công ăn việc làm của lao động địa phương, đồng thời, TP Đà Nẵng triển khai một số biện pháp như đẩy mạnh chiến dịch truyền thông khẳng định du lịch Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; thường xuyên tổ chức họp báo, thông cáo báo chí để các đơn vị truyền thông có hình thức tuyên truyền rộng rãi cho khách trong nước và quốc tế hiểu; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần kích cầu du lịch nội địa trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, trong đó tăng cường các chương trình ưu đãi như giảm giá hàng không, giá khách sạn, ưu đãi vay tín dụng... Thường xuyên gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế đất, giảm lãi suất vay ngân hàng…

Dịp này, các công ty lữ hành cũng đề xuất ngành du lịch thành phố Đà Nẵng nên có chính sách giảm giá vé máy bay, vé tham quan tại các khu điểm du lịch… nhằm làm giảm giá tour để thu hút khách nội địa đến với Đà Nẵng nhiều hơn. Về lâu dài, cần đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm thuế đất, giảm lãi suất vay vốn ngân hàng…; đồng thời hỗ trợ công tác xúc tiến, tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá tại các thị trường trọng điểm có tính đến sản phẩm và lợi thế của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung như châu Âu, Australia, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×