Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường

04/10/2021 | 10:56

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường - Ảnh 1.

Thầy mo Bùi Hồng Bào, xã Phong Phú (Tân Lạc) thực hiện nghi lễ mo.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, không gian diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành mo Mường là ông mo, thầy mo (hoặc ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức mo, không những thuộc lòng hàng vạn câu mo, mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, ông mo là những trí thức dân gian, là người có uy tín trong cộng đồng.

Qua khảo sát cho thấy có 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng Mo. Một trong những nhóm nghi lễ đặc biệt nhất thể hiện đầy đủ và tập trung giá trị cốt lõi của mo Mường là mo tang lễ với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng 12 ngày đêm trong tổ chức tang lễ cổ truyền của người Mường. Các câu thơ, văn vần này được chia thành các cát mo, có nơi gọi là roóng mo (trong văn học gọi là các chương, hồi). Hiện nay, có nhiều bản mo được sưu tầm, song có 3 bản mo chính, đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô lớn.

Để bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể, những năm gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ rõ: "Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ năm 2016 trở lại đây, nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa mo Mường đã từng bước thay đổi, nhất là sau khi mo Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ thị số 08, ngày 20/1/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được ban hành. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành 2 đề án: Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường giai đoạn 2018 – 2030” và đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”...

Các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng một cách khoa học. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường. Công tác sưu tầm, biên soạn tài liệu về mo Mường được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, tỉnh lập hồ sơ xem xét công nhận nghệ nhân mo Mường đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú theo quy định. Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị đặc sắc của mo Mường tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ học thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về giá trị của mo Mường, nguồn gốc mo Mường trong mối quan hệ với thế giới quan, những ảnh hưởng tích cực của mo Mường đối với đời sống xã hội...

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng và các cấp chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường nói riêng.

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×