Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ, phát huy

23/06/2023 | 09:58

Tại Hội thảo tổng kết thực tiễn việc phát huy giá trị văn hóa và con người Bắc Kạn góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững được UBND tỉnh tổ chức chiều 21/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng khẳng định, sau 26 năm tái lập tỉnh, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ, phát huy.

Bắc Kạn: Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ, phát huy - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng nêu rõ, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay. Tại tỉnh Bắc Kạn, sau 26 năm tái lập tỉnh, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ, phát huy. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai, nhận thức của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và con người Bắc Kạn từng bước được nâng lên rõ rệt; môi trường văn hóa từng bước được cải thiện; các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố và đầu tư xây dựng; chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nâng cao và trở thành cuộc vận động lớn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo sự chuyển biến vững chắc trong xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 885.000 lượt hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; trên 7.600 lượt khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; trên 9.900 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác tổ chức lễ hội đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa trong chính trị gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai có hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn đảng bộ. Đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao; các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi phát triển và nhân rộng; các giá trị văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy, hình thành nếp sống văn minh phù hợp với sự phát triển của đất nước. Tại các huyện, thành phố đã có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa, con người Bắc Kạn trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đầu tư cho văn hóa tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại một số địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mai một; công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, đặc biệt là văn hóa - nghệ thuật truyền thống và công tác giáo dục, định hướng văn hóa, thẩm mỹ trong Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa trong trường học như giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thầy cô giáo và học sinh có lúc chưa thường xuyên, liên tục; còn nhiều bất cập giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ và tham gia phát biểu tham luận, thảo luận góp ý, làm rõ thêm kết quả đạt được, nhất là làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá để phát huy giá trị văn hoá, con người Bắc Kạn.

Bắc Kạn: Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ, phát huy - Ảnh 2.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Sau phát biểu đề dẫn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, các đại biểu đã trình bày tham luận làm rõ ý nghĩa, những giá trị bền vững và kết quả việc vận dụng Đề cương về văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Bắc Kạn nói riêng qua các giai đoạn lịch sử. Các đại biểu cũng góp ý, làm rõ thêm kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá để thời gian tới việc phát huy giá trị văn hoá, con người Bắc Kạn trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt hơn.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Kạn là mục tiêu quan trọng cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, có kế hoạch cụ thể trong từng năm, trong đó xác định nội dung trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể ở mỗi giai đoạn. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng văn hóa chính trị và kinh tế. Tuyên dương, khen thưởng cho các địa phương, tập thể thực hiện tốt, có mô hình hay hoặc xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn đạt kết quả nhanh chóng và có sự chuyển biến rõ nét. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với tính chất chung của đất nước, đặc biệt những đặc trưng riêng của Bắc Kạn, để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi địa bàn.../.

Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×