Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

30 năm trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản

24/12/2021 | 10:00

30 năm thành lập, đi vào hoạt động (23/12/1991 - 23/12/2021), Bảo tàng Thái Nguyên không ngừng phát triển, trưởng thành, trở thành một địa chỉ tin cậy về sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ, phục vụ nghiên cứu khoa học, trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Ghi nhận công lao đóng góp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh và các cấp, ngành tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen cho đơn vị.

30 năm trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 1.

Cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, bảo quản hiện vật.

30 năm - thời gian không dài nhưng đủ để kiểm chứng về tinh thần nỗ lực vượt khó, vươn lên của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng Thái Nguyên. Các thế hệ cán bộ, viên chức lớp sau theo gương lớp trước không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đoàn kết xây dựng cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ của người làm công tác văn hóa ở lĩnh vực bảo tàng.

Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi". Vâng! Các thế hệ cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa không ồn ào, mà lặng lẽ từ những mạch ngầm thời gian sâu lắng lại. Có những chuyến đi về miền quá vãng xa xăm, gạn sâu dưới mấy tầng đất để tìm lượm từng hiện vật bị thời gian vùi lấp. Nhưng lại là minh chứng cho những nền văn minh, văn hóa của loài người. Dọi vào đó để chúng ta biết được nguồn cội của mình mà tự tin khẳng định niềm tự tôn dân tộc, quốc gia.

Để có nguồn tài nguyên phong phú, Bảo tàng Thái nguyên tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu sưu tầm, tiếp nhận tài liệu hiện vật. Đến nay đã sưu tầm trên 34.000 đơn vị hiện vật, trong đó nhiều hiện vật quý như: Trống đồng Mỏ Nước; răng voi hóa thạch; hiện vật kháng chiến; tiền cổ; tư liệu ảnh; bộ Sưu tập Đồ đá thuộc di chỉ khảo cổ học Thần Sa… Khoảng từ 400 đến 500 đơn vị hiện vật thuộc nhiều chủ đề khác nhau được sưu tầm/năm.

30 năm trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 2.

Khoảng từ 400 đến 500 đơn vị hiện vật thuộc nhiều chủ đề khác nhau được Bảo tàng Thái Nguyên sưu tầm/năm.

Do công tác tổ chức tiếp nhận, đăng ký sắp xếp và theo dõi tình trạng hiện vật nghiêm túc, khoa học và logic, hệ thống sổ sách, mẫu biểu đúng quy chuẩn. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, Bảo tàng đã số hóa được hơn 600 đơn vị hiện vật. Đây là lý do để nhiều tổ chức, cá nhân đặt niềm tin, hiến tặng hiện vật quý cho Bảo tàng. Trong đó phải kể đến các nhà sưu tập tư nhân thuộc Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Bắc, đã hiến hơn 200 hiện vật có giá trị về niên đại, lịch sử văn hóa.

Các hiện vật sau sưu tầm, xử lý, bảo quản được Bảo tàng tổ chức trưng bày, phục vụ nhân dân, du khách. Các chuyên đề trưng bày: Bác Hồ với Thái Nguyên; Thiên nhiên, đất nước, con người Thái Nguyên; Di sản văn hóa Thần Sa và tiềm năng thiên nhiên Thái Nguyên; Trà Thái Nguyên trong văn hóa Trà Việt... được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Cùng với đó là hơn 100 cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động, với nhiều chủ đề: Những kiệt tác hội họa thế giới; Đảng cộng sản Việt Nam - Đại hội và thành quả; Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Từ đại hội đến đại hội; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Khởi nghĩa Thái Nguyên; Cổ vật và Trà; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên; “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”… đã để lại trong lòng nhân dân, du khách một ấn tượng sâu sắc, độc đáo.

30 năm trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 3.

Từ năm 2011 đến nay, Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón tiếp hơn 5 triệu lượt nhân dân, du khách.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm góp phần tôn vinh truyền thống lịch sử văn hóa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập thế giới. Những năm vừa qua tại Bảo tàng còn diễn ra nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học. Đặc biệt là có nhiều đề tài khoa học các cấp của tập thể, cá nhân cán bộ, viên chức Bảo tàng Thái Nguyên thực hiện được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao, như đề tài: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác, quảng bá giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên"; "Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác nghiên cứu, xây dựng, sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Thái Nguyên"; "Điều tra, thăm dò, khai quật khảo cổ học một số hang động ở xã bình Long và vùng phụ cận huyện Võ Nhai"…

Với Bảo tàng Thái Nguyên, từ năm 2011 còn có thêm một cơ sở giao lưu ẩm thực trà. Đó là Không gian Văn hóa trà Tân Cương, địa chỉ trưng bày hàng nghìn hiện vật liên quan đến nghề làm chè, chế biến chè, thưởng trà của người Việt và các nước trên thế giới. 10 năm nay, kể từ Festival Trà Quốc tế lần thứ Nhất – Thái Nguyên năm 2011, Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón hơn 5 triệu lượt nhân dân, du khách đến tham qua, thưởng ẩm, nghiên cứu về đất và người Thái Nguyên trên dòng chảy lịch sử đất nước.

Hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục mở ra ở phía tương lai. Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng Thái Nguyên tiếp tục trụ vững, đồng thuận khắc phục khó khăn, nắm lấy thời, vượt lên thách thức để hoàn thành sứ mệnh của người gìn giữ, lưu truyền giá trị văn hóa thông qua những hiện vật, cổ vật mang dấu ấn lịch sử văn hóa.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×