Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Về việc đưa "hiện vật lạ" vào di tích tại Hà Nội: Kiên quyết xử lý theo Luật Di sản văn hóa

06/03/2014 | 10:08

Ngày 3/3, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Phù Đổng... tiến hành kiểm tra thực tế tại di tích đền Phù Đổng để làm rõ việc “một số hiện vật lạ” mới đưa vào di tích...

“Hiện vật lạ” ở đền Phù Đổng sẽ
phải di chuyển ra khỏi di tích
Quyết tâm thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, các đồ thờ được tiếp nhận chưa đúng quy định sẽ phải đưa ra khỏi di tích.

Di tích đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 29/VH-QĐ ngày 21/2/1975 của Bộ VHTTDL và ngày 9/12/2013 vừa qua di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thế nhưng ngay sau khi HN tổ chức Lễ đón nhận 5 Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích đền Phù Đổng thì hiện tượng đưa “hiện vật lạ” vào đền Phù Đổng đã được dư luận phản ánh.

Trong buổi kiểm tra thực tế của Đoàn công tác Sở VHTTDL HN tại đền Phù Đổng và làm việc với UBND huyện Gia Lâm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm... các bên đã xác định các hiện vật mới đưa vào di tích này chưa đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL HN khẳng định: “Từ cuối năm 2013, có một số cá nhân, doanh nghiệp đặt vấn đề với Ban quản lý di tích đền Phù Đổng và đã phát tâm công đức một số đồ gồm 1 ngựa, 1 áo giáp và roi để cung tiến vào di tích. Chưa nói đến việc các hiện vật này có phù hợp với khu di tích này hay không nhưng quá trình tiếp nhận chưa thực hiện đúng quy định”.


Nhiều đồ thờ mới ở chùa Chân Long

Theo Quyết định số 11 của UBND TP Hà Nội thì hiện nay di tích đền Phù Đổng thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND huyện Gia Lâm. Vì vậy, ngay sau buổi kiểm tra, làm việc tại di tích đền Phù Đổng, Sở VHTTDL Hà Nội yêu cầu huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Phù Đổng, Ban quản lý di tích đền Phù Đổng sớm di chuyển các đồ thờ đã được tiếp nhận chưa đúng quy định ra khỏi khu vực di tích.

Được biết, trong số các hiện vật lạ được đưa vào di tích đền Phù Đổng chưa đúng quy định, có cả hiện vật kích thước lớn là ngựa được đúc bằng kim loại cao tới 3m... Điều đáng nói là các hiện vật cung tiến kể trên đã được sự đồng ý và tiếp nhận của Trưởng ban Quản lý di tích đền Phù Đổng nhưng chưa báo cáo, thỏa thuận... với các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Xung quanh vấn đề này, Sở VHTTDL Hà Nội yêu cầu Ban quản lý di tích đền Phù Đổng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và báo cáo với UBND TP Hà Nội trong tháng 3/2014.

Thực tế, trong thời gian gần đây, hiện tượng tự ý đưa “hiện vật lạ” hay đồ thờ vào các khu di tích trên địa bàn thủ đô Hà Nội mà chưa xin phép và được phép của các cơ quan chức năng không còn là hiện tượng cá biệt.

Đơn cử như tại chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, việc sư thầy tự ý đưa một pho tượng lạ bằng đồng vào di tích chùa Chân Long đã khiến nhân dân địa phương bất bình.

Hay mới đây, chùa Bà Đá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau Tết Nguyên đán bỗng xuất hiện “pho tượng lạ” làm ảnh hưởng tới khuôn viên, cảnh quan di tích...

Với hơn 2.000 di tích, trong đó có hơn 1.000 di tích Quốc gia, việc quản lý, trùng tu tôn tạo, bảo quản và phát huy giá trị di sản của HN thực sự là một nhiệm vụ nặng nề. Để thường xuyên giám sát, quản lý số lượng di tích đồ sộ này, mới đây Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội đã thành lập Phòng Địa bàn, theo đó mỗi địa bàn quận, huyện của thủ đô sẽ có ít nhất 1 cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát...


“Pho tượng lạ” ở chùa Bà Đá

Dự kiến trong năm 2014, Sở VHTTDL sẽ hoàn thành Quy chế quản lý, trùng tu, tôn tạo, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thủ đô. Bên cạnh đó, cơ chế cho người trông coi các khu di tích trên địa bàn thủ đô cũng sẽ sớm được đệ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, thông qua...

Trước hiện tượng vi phạm Luật Di sản Văn hóa liên tục xảy ra trên địa bàn thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thậm chí làm hẳn những tờ rơi tuyên truyền về những việc được làm là không được làm đối với các di tích cho người dân và cũng như những người tham gia trông coi, quản lý khu di tích nắm rõ, thực hiện.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×