Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tìm giải pháp cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội

30/10/2009 | 07:00

(VH)- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Lễ hội Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

 Lễ hội Bà Thu Bồn- một lễ hội dân gian
còn nguyên vẹn các giá trị truyền thống của Quảng Nam

Hội thảo nhằm đánh giá lại thực trạng công tác chỉ đạo, quản lý lễ hội tại Quảng Nam, đồng thời tìm ra các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 53 lễ hội, trong đó có 46 lễ hội dân gian truyền thống, 1 lễ hội tôn giáo và 6 lễ hội lịch sử cách mạng. Nhìn chung, các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm và lành mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại hiện tượng mê tín dị đoan; chèo kéo du khách tham gia trò chơi cá cược, nạn ăn xin, móc túi, nâng giá  dịch vụ tùy tiện,...

Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại nhất là sự phai mòn những giá trị, bản sắc của lễ hội truyền thống. Vấn đề đặt ra ở đây thách thức không chỉ là tác động trái của nền kinh tế thị trường mà còn ở sự chuyển đổi các giá trị. Đã xuất hiện tư tưởng trục lợi, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội làm cho các giá trị vật chất át các giá trị văn hóa truyền thống và đạo đức. Bên cạnh đó, những lễ hội đương đại- lễ hội mới dung nạp nhiều yếu tố nghệ thuật mới vào trong sinh hoạt những năm gần đây dường như những hoạt động văn hóa- du lịch thiết kế không hiệu quả, chỉ chú mục vào các chương trình nghệ thuật đóng khung trên sân khấu nên rơi vào hình thức “sân khấu hóa lễ hội”.

Một hiện tượng nổi bật trong một số lễ hội Quảng Nam hiện nay là hoạt động văn hóa nghệ thuật, các loại hình trò chơi dân gian ít được chú ý hoặc chưa đúng mức dù đây là phần đáng quan tâm của lễ hội.

Từ những thực trạng nêu trên, hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp thực tế để công tác tổ chức lễ hội ngày càng đảm bảo hiệu quả, bổ ích, tiết kiệm.

Theo ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ và cách làm trong việc tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, duy trì các lễ hội dân gian trong thời kỳ hội nhập với tinh thần bảo tồn những nét đẹp của văn hóa truyền thống, tiếp thu những cái hay của văn hóa đương đại, giúp cho người dân giữ gìn và phát triển văn hóa của mình cũng như nâng cao chất lượng lễ hội để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân và thu hút du khách.

Để các lễ hội đương đại ở Quảng Nam không rơi vào sự đơn điệu, nhàm chán, “sân khấu hóa”, theo Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam nên tập trung vào những giải pháp như: Lựa chọn kịch bản có ý hướng cách tân, chú trọng đến các giá trị đặc sắc của văn hóa địa phương. Hoạch định về thời điểm tổ chức lễ hội, chú trọng đến lịch lễ hội truyền thống của địa phương để thuận tiện cho công tác quảng bá. Thiết kế kịch bản tổng thể, có hiệu quả các sinh hoạt lễ hội. Tìm tòi những loại hình văn hóa nghệ thuật mới, lạ, có tầm quốc gia, quốc tế. Tiếp tục xã hội hóa các hoạt động lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và bản sắc văn hóa địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam đã đưa ra 7 giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp như: Rà soát và phân loại lễ hội, tăng cường quản lý, nghiên cứu và có các bước thử nghiệm để định hình được các nghi thức lễ và hoạt động hội. Coi trọng công tác xã hội hóa, nêu cao vai trò tự chủ của nhân dân, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong tổ chức lễ hội. Cần phân cấp thẩm quyền cấp phép tổ chức lễ hội.

Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Bộ VHTTDL cần có văn bản chỉ đạo các trường đại học văn hóa, du lịch cần coi trọng và có giáo trình giảng dạy về tổ chức và quản lý lễ hội. Đồng thời cần có một quy chế riêng về việc tu bổ tôn tạo di tích, trong đó việc giám sát phải diễn ra liên tục chứ không thể chờ hậu kiểm, chỉ huy công trình phải là người có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp. Cần tổ chức tập huấn cho các nhà lãnh đạo, chỉ đạo các cấp được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo quản và kỹ thuật trùng tu, tu bổ các di tích,...

(Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×