Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Chất lượng phong trào được đặt lên hàng đầu

11/05/2022 | 15:37

Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai đồng bộ và bền vững. Từ đó tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Thái Nguyên: Chất lượng phong trào được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1.

Người dân thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) thường xuyên rèn luyện thể thao.

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Để Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp trong bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa, góp phần để Phong trào phát triển bền vững.

BCĐ tỉnh đã gắn Phong trào với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào khác của các hội, đoàn thể. Người dân tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể như: Trồng hoa, làm cổng rào trước nhà, xây dựng nếp sống văn minh, xanh, sạch, đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường; nhiều hộ nghèo chủ động phát triển kinh tế, nuôi dạy con chăm ngoan; nhiều cá nhân, tập thể tích cực góp công xây dựng cầu, sửa đường nông thôn, xây nhà tình nghĩa... làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn đổi mới, chất lượng đời sống người dân nâng lên, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài gắn kết Phong trào, BCĐ tỉnh hướng dẫn các địa phương bình xét, đánh giá, công nhận danh hiệu văn hóa theo hướng lồng ghép các danh hiệu như: Gia đình văn hóa lồng ghép với gia đình học tập; xã văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa... để hạn chế sự chồng chéo trong bình xét, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương.

Việc bình xét được thực hiện bằng cách lấy ý kiến, bỏ phiếu kín nên hạn chế được tình trạng nể nang, phản ánh đúng chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa.

Từ trước dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, các xóm, tổ dân phố đã phát phiếu chấm điểm đến từng hộ, để chủ hộ và các thành viên trong gia đình tự đánh giá, tự xếp loại gia đình mình.

Các thành viên BCĐ cơ sở bình xét theo nội dung Phong trào quy định. Sau đó “niêm yết” công khai kết quả bình xét cho từng hộ trước nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, các hộ được vinh danh “Gia đình văn hóa tiêu biểu” và được nhận khen thưởng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, cho biết: Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Phong trào không chạy theo thành tích. Chất lượng Phong trào được coi trọng, đặt lên hàng đầu. Việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa được thực hiện minh bạch, dân chủ, công khai nên các hộ dân, xóm, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị đều đồng ý với kết quả bình xét hằng năm.

Với nhiều giải pháp nâng chất lượng các danh hiệu văn hóa, coi trọng chất lượng Phong trào nên hằng năm trên toàn tỉnh có trên 98% trở lên số hộ đăng ký tham gia đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; hơn 90% số xóm, tổ dân phố đăng ký tham gia đạt danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hoá”.

Riêng năm 2021, toàn tỉnh có gần 328 nghìn gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 92,53%, tăng 1,23% so với năm trước; gần 2,2 nghìn xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 93,83%, tăng 2,1% so với năm trước; trên 1,5 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,22%, tăng 1,4% so với năm trước.

Cùng với đó, việc cưới đã được tổ chức theo nếp sống mới, tiết kiệm, văn minh; những lễ cưới được khôi phục kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống với xu hướng tiến bộ, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc... Việc tang cũng đã dần được xóa bỏ hủ tục, người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tự giác, tôn trọng các quy định về nếp sống văn minh…

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×