Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Nâng chất lượng danh hiệu văn hóa của các gia đình, khu dân cư

04/09/2020 | 10:41

Thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã được duy trì sôi nổi nhiều năm qua ở khắp các địa phương của Quảng Ninh, góp phần không nhỏ trong hình thành nếp sống văn minh, động viên cộng đồng tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Ninh: Nâng chất lượng danh hiệu văn hóa của các gia đình, khu dân cư - Ảnh 1.

CLB Bóng chuyền hơi của Hội LHPN phường Minh Thành, TX Quảng Yên duy trì hoạt động thường xuyên. Ảnh: Vân Anh

Việc tổ chức thi đua, bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa cho các gia đình, khu dân cư trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn được tiến hành chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL, từ năm 2019 đến nay là theo quy định tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ.

Các tiêu chí bình xét được nêu rõ: Gia đình văn hóa thì phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua nơi cư trú; hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; lao động, học tập đạt năng suất, chất lượng hiệu quả.

Còn mỗi một khu dân cư văn hóa tức là có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng...

Quảng Ninh: Nâng chất lượng danh hiệu văn hóa của các gia đình, khu dân cư - Ảnh 2.

CLB chèo của TX Đông Triều biểu diễn tại đình Hổ Lao, xã Tân Việt. Ảnh: Việt Hoa

Để việc thực hiện các tiêu chí này trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nề nếp của từng thôn, bản, khu phố, giải pháp của nhiều địa phương là tiến hành tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở, các hội đoàn thể, tổ dân cư; đưa vào các quy ước, hương ước chung. Đặc biệt là thông qua hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng thành các phong trào thi đua sôi nổi, phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng đoàn viên, hội viên.

Quảng Ninh: Nâng chất lượng danh hiệu văn hóa của các gia đình, khu dân cư - Ảnh 3.

Người dân xã Cẩm Hải, TP. Cẩm Phả tham gia vệ sinh môi trường, trồng tuyến đường hoa.

Tìm hiểu tại TP. Cẩm Phả được biết, việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa từ nhiều năm qua luôn là một nội dung quan trọng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Từ đó, các cán bộ, đảng viên được xác định là nòng cốt, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, tuyên truyền mà việc phấn đấu đạt danh hiệu “văn hóa” được cụ thể hóa thành từng phần việc, nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng thôn NTM, khu phố đô thị văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng, tự quản về an ninh trật tự nơi cư trú, hình thành các câu lạc bộ luyện tập thể thao, văn nghệ...

Quảng Ninh: Nâng chất lượng danh hiệu văn hóa của các gia đình, khu dân cư - Ảnh 4.

Một buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của khu phố 10, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Thành phố cũng chỉ đạo và hướng dẫn các phường, xã xây dựng quy ước, hương ước tập trung vào xây dựng NTM và đô thị văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa. Nhờ đó, việc thi đua, bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa cho các gia đình, khu dân cư trên địa bàn thành phố được thuận lợi, bám sát Nghị định 122/2018/NĐ-CP, tạo sự hưởng ứng và tích cực tham gia của đông đảo nhân dân.

Việc thi đua, phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa đã và đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh từ cơ sở, duy trì thường xuyên qua các năm. Tuy nhiên để phong trào đạt được mục tiêu đề ra thì việc triển khai thực hiện phải luôn đảm bảo thực chất, tránh tình trạng trao danh hiệu đại trà, chạy theo thành tích.

Bởi vì nếu coi nhẹ quy trình, gia đình nào cũng có thể được biểu dương dù không hề nỗ lực thi đua... thì danh hiệu không có giá trị tôn vinh, mất đi hiệu quả khuyến khích phong trào sôi nổi. Thậm chí có thể gây suy giảm niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân, tạo sự thờ ơ trong thực hiện các phong trào, chủ trương khác.

Do đó, việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa cho các gia đình, khu dân cư phải được tiến hành chặt chẽ, sâu sát theo hướng cần chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đồng thời công tác tuyên truyền cũng cần liên tục đẩy mạnh để từ mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình nhận thức được ý nghĩa của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ mà thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.

Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa", “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Trong đó cũng nêu rõ về 7 nhóm trường hợp mà gia đình không được xét tặng danh hiệu văn hóa. Cụ thể là các trường hợp gia đình được xét duyệt có thành viên vi phạm 1 trong các điều sau: 1. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. 2. Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế. 3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. 4. Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống. 5. Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính. 6. Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc. 7. Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo Hoàng Giang/quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×