Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống

10/05/2024 | 10:00

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam, có lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ X, phát triển mạnh và phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ca dao xưa có câu: “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo, vỗ bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả, ăn nem/ Thèm ăn cơm tẻ, thèm xem hát chèo” đã phản ánh sinh động vị trí của nghệ thuật chèo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Được coi là đất chèo cổ, tỉnh Nam Định cùng với các tỉnh lân cận: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình đã tạo nên “Chiếng chèo Nam” - một trong “tứ Chiếng chèo” (Nam, Bắc, Đông, Đoài) của cả nước.

Nam Định: Gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn múa hát chèo của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Nam Định - "Cái nôi" của nghệ thuật chèo truyền thống

Chèo Nam Định hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa mang tính cộng đồng. Đầu thế kỷ XX, ở Nam Định đã hình thành rất nhiều làng chèo, phường chèo, gánh chèo; trong đó, huyện Ý Yên được coi là “thủ phủ” của đất chèo xứ Nam với các làng chèo: Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường... cùng hàng chục gánh chèo hoạt động theo tổ, tốp, đội văn nghệ dân gian. Ở huyện Nam Trực, ngoài phường chèo ở các xã: Điền Xá, Nam Mỹ, còn có các phường chèo cổ gắn kết với các phường múa rối nước làng Rạch, làng Giáp Nhất. Huyện Mỹ Lộc nổi tiếng với các đội chèo làng Đặng Xá, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế; huyện Vụ Bản có làng chèo Hào Kiệt; huyện Xuân Trường có làng chèo Ngọc Tiên; huyện Hải Hậu có làng chèo Phú Văn Nam; huyện Giao Thủy có làng chèo Hoành Nhị, các chiếu chèo sân đình ở các xã: Giao Thanh, Giao Hải, Giao Châu, Giao Thiện… Thời kỳ đầu (trước năm 1958), các làng chèo thường diễn các vở chèo cổ như: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Phạm Tải - Ngọc Hoa”, “Trương Viên”, “Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài”, “Tuần Ty - Đào Huế”, “Kim Nham”... Khi hợp tác xã hình thành, các làng chèo lại tuyên truyền cho nhiệm vụ mới với các vở: “Nắm cỏ trâu”, “Chiếc đòn gánh”, “Cánh đồng sen”, “Tiếng trống sang canh”, “Bụi tre gai”, “Cót thóc vơi”... Từ năm 1964, các làng chèo lại góp sức mình vào công cuộc đánh Mỹ với các vở: “Đường về trận địa”, “Sao đổi ngôi”, “Con tiếp bước cha”, “Sông Hồng cuộn sóng”, “Bến sông quê”, “Chị Tâm bến Cốc”... Nội dung các vở diễn, trích đoạn, hoạt cảnh chèo, ca ngợi phẩm chất cao quý của con người, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm; miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân “chân lấm, tay bùn” với những sinh hoạt đời thường mang giá trị “tình làng, nghĩa xóm”; đồng thời lên án, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại sự bất công trong đời sống xã hội. Chèo Nam Định sử dụng vốn dân ca, tục ngữ, ca dao phong phú, mang âm hưởng chung của cư dân đồng bằng Bắc Bộ nhưng vẫn có độ ngọt ngào, mượt mà, sâu lắng đậm chất riêng của vùng châu thổ sông Hồng.

Là vùng đất giàu trầm tích văn hóa với hệ thống di tích lịch sử dày đặc nên mỗi độ tết đến, xuân về hay mỗi dịp hội làng truyền thống, ở khắp các vùng quê trong tỉnh, tiếng đàn, trống, tiếng hát chèo lại được cất lên như “chất keo” kết dính giữa quá khứ và hiện tại. Những nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên đều là những người nông dân quanh năm lam lũ với công việc đồng áng, tham gia biểu diễn văn nghệ quần chúng vào thời gian rảnh rỗi, nông nhàn. Nếu như trước kia, các đội chèo sinh hoạt chủ yếu ở sân đình, đền, chùa, sân khấu đơn giản chỉ là khoảng đất rộng, bằng phẳng được trải mấy chiếc chiếu hoa thì ngày nay, các địa điểm nhà văn hóa, trung tâm văn hóa làng, xã là nơi tập luyện thường xuyên của các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian; trong đó có gần 200 đội, CLB chuyên biểu diễn chèo hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Nhiều đội, CLB chèo đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn phục vụ các lễ hội, đình đám lớn. Các đội, CLB chèo quần chúng đã “tự biên, tự diễn” nhiều vở chèo mang hơi thở của thời đại, ca ngợi thành quả trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền và đóng góp của nhân dân trong việc hỗ trợ kinh phí tập luyện, sinh hoạt, tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng đã tạo điều kiện để các đội, CLB chèo duy trì hoạt động hiệu quả, chất lượng các vở diễn ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.

Nam Định: Gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống - Ảnh 2.

Hát chèo trên sông trong Lễ hội truyền thống làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Nỗ lực gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống

Trải qua thời gian, đến nay, Chèo đã trở thành bộ môn nghệ thuật mang đặc trưng của đất và người Nam Định, lan tỏa rộng khắp từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đến sân khấu chuyên nghiệp. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là đơn vị biểu diễn sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp được thành lập năm 2019 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị gồm: Nhà hát Chèo, Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói. Những năm qua, Nhà hát đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố Nam Định mở lớp tập huấn nghệ thuật cho các đội, CLB văn nghệ quần chúng ở các xã, phường, thị trấn; cử các nghệ sĩ về các địa phương giảng dạy, hướng dẫn hát chèo, diễn chèo cho các hạt nhân văn nghệ tại cơ sở. Bên cạnh việc năng động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh luôn chú trọng đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận; phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định mở lớp đào tạo diễn viên “tại chỗ”. Với việc phân công các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tạo điều kiện cho lớp diễn viên trẻ có cơ hội tham gia các cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp, Nhà hát đã từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật. Hiệu quả trong công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng diễn viên kế cận của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được các nhà quản lý, giới chuyên môn và đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao qua thành công tại các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật, song song với việc dàn dựng, biểu diễn các vở đề tài hiện đại, mang đậm hơi thở cuộc sống hôm nay, Nhà hát còn chú trọng khôi phục các vở chèo cổ truyền thống… Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống “Chiếng chèo Nam”, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã trở thành “cầu nối” đưa công chúng hôm nay đến với bộ môn nghệ thuật chèo dân gian truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Với sự lan tỏa rộng khắp của nghệ thuật Chèo, tháng 4-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đệ trình UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải qua thời gian, nghệ thuật chèo Nam Định đã thể hiện sức sống mãnh liệt và là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân. Những làn điệu chèo mang đậm chất trữ tình, sâu lắng vẫn đang được gìn giữ, bảo tồn trong đời sống hôm nay với cách nghe, cách nhìn mới nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Điều đó làm cho giá trị các loại hình văn nghệ dân gian của dân tộc luôn được kế thừa và phát huy trong đời sống cộng đồng./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×