Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội

27/09/2021 | 13:55

“Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”. Đó là mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025.

Nam Định: Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội - Ảnh 1.

Biểu diễn Cà kheo trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống hàng năm của huyện Hải Hậu.

Với mục tiêu “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”, ngay năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 16-2-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định. Để hoàn thành tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Tại huyện Hải Hậu, để đạt mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025, huyện đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở theo tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025”. Ủy ban MTTQ huyện phát động cuộc vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng “Xóm (TDP) văn hoá”, “Gia đình văn hoá”. Hội Cựu chiến binh huyện triển khai cuộc vận động “Nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà văn hoá xóm (TDP)”, xây dựng khu trung tâm nhà văn hoá “Khang trang - xanh - sạch - đẹp”; phát động hội viên cùng đôn đốc và hướng dẫn các xóm (TDP) chỉnh trang khuôn viên gia đình, đường làng, ngõ xóm. Hội LHPN huyện phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trồng và chăm sóc hoa trên các tuyến đường, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân mua bảo hiểm y tế. Cuộc vận động ‘‘Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh; đường, sông không rác” được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Tháng 8-2021, Hải Hậu có 17 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn huyện có 100% xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa, trên 50% xóm duy trì đạt chuẩn nếp sống văn hóa 5 năm liên tục, 96,95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 34/34 xã, thị trấn đều có nhà văn hóa xã (diện tích 500m2 trở lên) hoặc có hội trường đa năng trên 250 chỗ ngồi, 546/546 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa; có 254 điểm truy cập internet.

Tại Nam Trực, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các cấp, các ngành trong huyện đã đẩy mạnh triển khai thực hiện tiêu chí văn hóa (số 6 và số 16), nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị, làng, xóm đạt chuẩn nếp sống văn hóa. Đến nay, 83,5% làng, thôn, xóm của huyện đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, 80% số xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 100% số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Toàn huyện có 266 nhà văn hóa/397 thôn, xóm, TDP); 100% thôn, xóm, TDP có điểm sinh hoạt văn hóa. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình văn hóa được chú trọng. Hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến xã được đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền đại chúng. Công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt ở các địa phương, chất thải nguy hại ở các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện đã thu được kết quả nhất định. Toàn huyện đã có 12 xã, thị trấn xây dựng và lắp đặt lò đốt rác, 8 xã có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, 20/20 xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải; tỷ lệ thu gom toàn huyện đạt 89%.

Để tạo bước đột phá trong thực hiện các tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, cấp thôn, xóm và dành không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM. Hiện toàn tỉnh có 204/204 xã, thị trấn có nhà văn hóa/hội trường đa năng, trong đó 158 xã có nhà văn hóa riêng biệt; 68 xã dùng chung hội trường UBND xã và đã có quy hoạch đất xây dựng được phê duyệt; có 3.041/3.041 làng, thôn, xóm (đạt tỷ lệ 100%) có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt văn hóa; có 2.641 sân thể thao làng (thôn, xóm). Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở được quan tâm để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Toàn tỉnh có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 CLB văn hóa, văn nghệ thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia, tổ chức được hơn 700 buổi hoạt động/năm; trên 1.800 CLB thể thao cơ sở, thu hút 36% dân số toàn tỉnh tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ở các thôn, xóm có chuyển biến tích cực; đời sống tinh thần người dân nông thôn được nâng lên, các mối quan hệ làng xóm, cộng đồng được tăng cường gắn kết, đẩy lùi tệ nạn xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm vận động người dân nhất là người dân nông thôn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực tự cường, làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng dân cư nông thôn; góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 100% làng (thôn, xóm) có hương ước, quy ước được công nhận và tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn dân chủ, đoàn kết; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX xác định là: Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng NTM ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Phát triển sự nghiệp văn hoá, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của địa phương. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là Di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kiên quyết chống các biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa, giữ gìn sự tôn nghiêm và giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc...

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×