Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lai Châu: Nâng cao công tác phân loại, bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh

16/06/2021 | 10:27

Bảo tàng tỉnh Lai Châu là nơi lưu giữ, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của người Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu nói riêng, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện tốt công tác lưu giữ những “bằng chứng” đó thì công tác phân loại, bảo quản hiện vật được Bảo tàng tỉnh ưu tiên, chú trọng thực hiện.

Lai Châu: Nâng cao công tác phân loại, bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh - Ảnh 1.

Viên chức Bảo tàng tỉnh thực hiện bảo quản hiện vật mây tre đan

Tính đến nay, Bảo Tàng tỉnh Lai Châu hiện tại đang lưu giữ 31.220 hiện vật, trong đó hiện vật dân tộc học là 2.139 hiện vật, hiện vật khảo cổ học là 29.081 hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như mây, tre, gỗ, đá, kim loại...., đây là những hiện vật tiêu biểu, lưu giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Để bảo quản các hiện vật không bị hỏng, tránh được các tác nhân gây hủy hoại từ môi trường, hằng năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức 02 đợt kiểm kê, bảo quản hóa chất các hiện vật đã sưu tầm.

Từ cuối tháng 5 năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã kiểm kê và thực hiện bảo quản hơn 500 hiện vật thuộc các dân tộc Thái, Si La, Mông. Trước khi được đưa vào kho Bảo tàng hiện vật bảo quản cần được kiểm kê kích thước, số liệu, phân loại, xác định tình trạng, do mỗi hiện vật có chất liệu, loại hình khác nhau nên từng loại phải có quy trình bảo quản riêng.

Hiện vật Giấy được bảo vệ hai lần, lớp ngoài là túi ni lon không axit, bên trong là hai lớp giấy bóng mờ không axit nhằm hút ẩm và bảo vệ hiện vật không bị ẩm mốc và các tác nhân gây hại khác….. kích thước của giấy bóng mờ tương đương với kích thước của hiện vật, đảm bảo hiện vật không tiếp xúc với không khí bên ngoài. Hiện vật chất liệu Vải trước khi đưa vào kho cần được vệ sinh sạch sẽ, quần áo sẽ được móc vào mắc áo rồi cất vào tủ kính, còn vải tấm cần được vuốt phẳng, gắp thành nếp xếp gọn gàng vào tủ. Hiện vật Đồ gỗ, mây, tre đan và các hiện vật chất liệu khác khi đưa vào kho cần được vệ sinh sạch sẽ, bảo quản bằng hóa chất chống mối mọt và duy trì bảo quản hiện vật kho thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.

Lai Châu: Nâng cao công tác phân loại, bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh - Ảnh 2.

Hiện vật chất liệu khác nhau được viên chức Bảo tàng tỉnh phân loại

Hiện nay, công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Lai Châu vẫn mang tính thủ công, trang thiết bị để bảo quản chưa đáp ứng được đúng theo tiêu chuẩn. Xác định được sự cần thiết, quan trọng trong công tác bảo quản hiện vật, thời gian tới Ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa cho công tác bảo quản và hệ thống trang thiết bị trong kho để các hiện vật các dân tộc được trường tồn mãi với thời gian, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Theo Sở VHTTDL Lai Châu

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×