Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I - 2013

17/11/2013 | 10:30

(VP)- Tối 15/11, tại TP. Sóc Trăng đã diễn ra Lễ Khai mạc Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013. Tới dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Với tên gọi “Trăng và Lúa" lễ khai mạc Festival diễn ra với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, sân khấu hóa vụ mùa và nghi thức cúng lễ nông nghiệp của người Khmer.

Điểm nhấn của Festival lần này là đua ghe Ngo, đây là phần hội của Lễ hội Óoc Om Bóc, là nghi thức tiễn nước sau mùa gieo trồng, chào mừng vụ mùa bội thu, là ngày hội thể thao, biểu tượng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Chương trình có sự tham gia của các đội ghe Ngo của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL như: Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long với  hơn 60 đội ghe Ngo (trong đó có 13 đội nữ).


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống hằng năm của đồng bào Khmer, đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Khmer cần được giữ gìn và phát huy. Với ý nghĩa đó, năm 2013, Chính phủ đồng ý nâng cấp lễ hội này thành Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long tầm quốc gia. Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL thể hiện tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng cũng như thể hiện được tính thượng võ của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa anh em trong khu vực. Do đó, cần phải được tôn vinh, gìn giữ và phát huy cho tốt, xem đây là một trong những hoạt động tạo động lực cho sự phát triển và vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em trong vùng”.

Đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị, tỉnh Sóc Trăng phải tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng, của ĐBSCL nói chung, góp phần cùng cả nước xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Chương trình nghệ thuật chào mừng

Trong khuôn khổ ngày hội, Festival còn có các hoạt động kết hợp như Hội chợ Thương mại và Triễn lãm; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Trò chơi dân gian - Hội thao dân tộc; Triển làm ảnh Sóc Trăng xưa; Ca múa nhạc tổng hợp; Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ; Lễ Cúng trăng - Oóc Om Bóc; Thả đèn nước; Hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sẽ được diễn ra song song với các hoạt động chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

HCTC


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×