Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hàng vạn người dân về dự Lễ hội vía bà xã Nhơn Phong

05/03/2018 | 09:40

Ngày 4/3 (tức ngày 17 tháng giêng năm Mậu Tuất 2018) hàng vạn người dân khắp nơi đổ về thôn Liêm Lợi, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn tham dự Lễ hội Vía Bà, đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân, hành nghề đỡ đẻ cách đây 3 thế kỷ trước.

Ban Tế lễ hành lễ.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XVII, một người phụ nữ không có họ hàng với ai ở làng Liêm Định, không biết từ đâu đến định cư và trở thành người dân ở đây, bà có tên là Đỗ Thị Tân. Bà sống cô độc trong một ngôi nhà tranh vách đất gần con sông ven làng, bà có biệt tài đỡ đẻ rất đức độ, đến những ca đẻ khó nhất bà vẫn có thể giúp sản phụ vượt cạn an toàn. Bất kể đêm ngày, đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng, không phân biệt sang hèn, nơi nào có sản phụ sinh nở bà đều có mặt giúp các sinh linh chào đời bình an từ đôi tay bà nâng đỡ, tạo phúc cho mọi người, ai trả ân bà đều từ chối.

Tiếng tăm mát tay trong nghề “đỡ đẻ” của bà không chỉ được người đời biết đến, mà đến cả mãnh thú trong vùng cũng “nghe danh”. Một đêm mưa gió mịt mù, trời tối, một con cọp trắng không biết từ đâu xuất hiện trong căn nhà tranh của bà, làm bà hoảng sợ đến chết ngất. Đến khi tỉnh dậy, bà thấy mình nằm trong một hang đá trên núi Bà thuộc huyện Phù Cát.

Hành Lễ Tế Bà.

Nhìn lên, bà thấy đôi mắt ông cọp trắng nhìn bà với ánh nhìn khẩn thiết, bên cạnh là cọp cái đang vật vã, kêu rống vang trời vì khó đẻ. Bà hiểu, và ra tay làm công việc quen thuộc. Chẳng bao lâu sau, chú “tiểu hổ” ra đời an toàn. Sau ca đỡ đẻ cho cọp cái, ông cọp trắng cõng bà trả về lại ngay tại nhà. Thời gian sau đó, thỉnh thoảng mỗi sáng bà thấy trước cửa nhà có con cheo, con chồn. Bà hiểu đó là quà biếu của vợ chồng cọp tỏ lòng tri ân cho ca đẻ khó.

Vào một đêm nhằm ngày 16 rạng ngày 17 tháng Giêng Âm lịch (cách đây 300 năm), bà Tân ra dòng sông trước nhà giặt áo. Trời bỗng nổi giông gió dữ dội, sáng hôm sau người làng nhìn thấy thau đồ của bà chưa kịp gặt bên bờ sông, còn bà không thấy đâu nữa, bà đã “thăng thiên” về trời.

Múa lân tại Lễ hội.

Kính trọng tài năng và đức độ của bà, vua Tự Đức đã ban cho bà sắc phong “Ân đức độ nhân”. Tưởng nhớ ân đức sâu nặng, dân làng Liêm Định lập miếu thờ bà ngay trên nền căn nhà tranh năm xưa. Ngôi miếu thờ được gọi là “Hộ sản nương thần miếu”, bốn mùa hương khói ấm áp. Năm 2006 UBND tỉnh Bình Định công nhận Miếu Bà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đông đảo người dân dự hội

Mặc dù 17 tháng Giêng Âm lịch lễ tế chính thức mới diễn ra nhưng từ chiều ngày 15 Âm lịch, người dân các nơi xa gần đã tập trung về miếu Bà để vui chơi, dâng lễ. 11 giờ trưa 17 lễ tế chính thức bắt đầu theo nghi lễ truyền thống, gồm dâng hương và hát lễ. Các bô lão túc trực thực hiện nghi lễ rất long trọng. Sau giờ hành lễ là biểu diễn múa lân sư rồng để cúng bà. Sau phần tế lễ, phần hội với những hoạt động, như: thi chạy việt dã, đấu bóng chuyền, đấu võ truyền thống, kéo co, nhảy bao, … kéo dài đến ngày 19 tháng Giêng.

Theo Báo Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×