Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Khai hội Tịch điền Đọi Sơn

23/02/2018 | 09:07

Ngày 22/2 (tức mùng 7 Tết Mậu Tuất), lễ hội Tịch Điền đã được tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhằm khuyến khích nông trang và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Quốc Khánh

Sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân vua xuống đồng cày ruộng vào đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền, người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc. Từ đó, hàng năm cứ vào đầu xuân các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng với các hình thức khác nhau để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

Phần lễ gồm những lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng ở Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm), lễ cáo yết mở cửa đình, lễ  rước nước lên Đàn tế Thần nông, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên chùa Đọi, lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, Lễ Khai hội tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và Linh vị vua Lê Đại Hành…

Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền được phục dựng theo thứ tự Vua Lê Đại Hành (do vị bô lão của làng Đọi nhập thế, mặc Long bào, đeo mặt nạ) cày 3 sá đầu tiên. Trong đó, cụ Đinh Trọng Tế 95 tuổi (thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn) đã vinh dự được chọn hóa trang thành vua Lê Đại Hành cày những luống đầu tiên tại lễ hội Tịch điền 2018. Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như tổ chức thi đấu giải vật mùa xuân thượng võ, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật chèo, cùng nhiều trò chơi dân gian…

Ông Trương Quốc Việt- Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết: Sau nhiều năm bị gián đoạn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục lần đầu vào mùng 7 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (năm 2009) nhằm tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành làm Lễ tịch điền, nhà vua xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi từ hơn một ngàn năm trước. Từ đó, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức trang trọng vào mùng 7 tháng giêng hàng năm.

Trước đó, nằm trong khuôn khổ của lễ hội Tịch điền, hội thi vẽ trang trí trâu cũng được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức. Tham gia hội thi có 20 họa sĩ đến từ Hà Nội và tỉnh Hà Nam và một số họa sĩ trẻ, quốc tịch Mỹ, Tây Ban Nha. Hầu hết các họa sĩ đều chọn cách thể hiện tác phẩm nghệ thuật trên mình trâu là các hình vẽ mang đậm chất truyền thống lễ hội và mang đậm bản sắc của nền nông nghiệp, tạo nên những chú trâu khác biệt, độc đáo. Theo đánh giá từ BTC, hội thi vẽ và trang trí trâu trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018 đã tạo được ấn tượng cho du khách, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, khẳng định nét đặc sắc của lễ hội này. Kết thúc hội thi, BTC đã chọn và trao giải nhất, nhì, ba cho các chú trâu được trang trí đẹp và những chú trâu đoạt giải sẽ được tham gia lễ cày tịch điền Đọi Sơn năm 2018.

Trong những năm trở lại đây, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2017, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được cấp Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Theo Đại đoàn kết

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×