Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Bắc Kạn hội nhập và phát triển

20/11/2017 | 09:47

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, vùng cao nằm sâu trong vùng Đông Bắc, là quê hương của 7 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán Chay cùng đoàn kết chung sống, với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo đã tạo nên những di sản văn hóa có giá trị, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Bắc Kạn để cùng cả nước hội nhập với thế giới.

Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Bắc Kạn có Vườn Quốc gia - Di sản ASEAN, Khu RAMSA của thế giới và tới đây sẽ là Di sản thiên nhiên thế giới “Ba Bể - Na Hang” với hồ Ba Bể, di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt. Cùng với đó là các danh thắng: Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông, động Hua Mạ, hang Thẳm Phầy; động Nàng Tiên (Na Rì); hồ Bản Chang và thác Nà Khoang (Ngân Sơn)…

Hồ Ba Bể - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn.

Về di tích lịch sử, Bắc Kạn hiện có 152 di tích, trong đó có 06 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều là những địa điểm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như: Khu ATK Chợ Đồn gồm các di tích tiêu biểu như: Bản Ca, Nà Pậu, Nà Quân, Khuổi Linh, Khau Mạ, Khu di tích lịch sử Nà Tu- Cẩm Giàng, Đồn Phủ Thông, Địa điểm chiến thắng Đèo Giàng…

Hệ thống đền, chùa gồm: Đền Thắm, chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới); đền Thác Giềng, đền Cô, đền Mẫu (thành phố Bắc Kạn), chùa phố cũ, đền An Mạ (Ba Bể)…

Về lễ hội tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia gồm: Lễ hội Lồng tồng xã Hà Vị, Lễ hội Phủ Thông (Bạch Thông); Lễ hội Bằng Vân (Ngân Sơn); Lễ hội Mù Là ở xã Cổ Linh (Pác Nặm); Lễ hội Lồng tồng xã Nam Mẫu (Ba Bể); Hội xuân thành phố Bắc Kạn và Hội chợ Văn hóa Truyền thống Xuân Dương - Na Rì (mỗi năm họp một lần vào ngày 25/3 âm lịch).

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Kạn còn có các phong tục tập quán, nếp sống truyền thống, lễ nghi, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở, làng nghề thủ công… rất phong phú, độc đáo và đa dạng.

Với tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú hiện có, trong những năm qua Bắc Kạn đã tu bổ, tôn tạo nhiều di tích lịch sử. Lễ hội truyền thống được phục dựng, đặc biệt, Hội xuân Ba Bể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014)… Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng di sản văn hóa đã góp phần tạo ra những loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, như du lịch về nguồn; du lịch nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịch vụ Homestay; du lịch lễ hội; nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc… Kiến trúc nhà ở truyền thống được gìn giữ; những bộ trang phục được làm thủ công đang được cộng đồng các dân tộc khôi phục, lưu truyền; phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội, âm nhạc, dân ca dân vũ, nghệ thuật tạo hình… được gìn giữ, phát huy.

Hạ tầng du lịch từng bước phát triển, đường giao thông được nâng cấp, cải tạo (đường nối Ba Bể - Na Hang, đường cao tốc Bắc Kạn - Thái Nguyên, đường vào khu du lịch Thác Bạc, QL 279...), thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn (Resort Ba Bể, Trung tâm đón tiếp Buốc Lốm và khu Resort Sài Gòn - Ba Bể đang xây dựng…); nâng cấp khu dịch vụ Homestay (bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc), đến thời điểm này Bắc Kạn có 199 cơ sở lưu trú với 1.734 phòng (22 khách sạn, 177 nhà nghỉ); doanh thu từ du lịch năm 2016 là 280 tỷ đồng với trên 400.000 lượt khách.

Trong mối liên kết phát triển du lịch, nhiều năm qua Bắc Kạn đã tích cực hợp tác, liên kết với các tỉnh Việt Bắc và các tỉnh trong khu vực nhằm khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa của các tỉnh để tuyên truyền, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế, thông qua các chương trình hợp tác, như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và các hoạt động hội chợ, các hội nghị hội thảo; phối hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá - xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin của tỉnh, trên mạng, các trang Website… Hình thành một số khu, điểm, tuyến du lịch với các sản phẩm du lịch như du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh…

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó hoạt động du lịch của tỉnh Bắc Kạn được định hướng phát triển du lịch theo các cụm: Cụm thành phố Bắc Kạn và phụ cận; Cụm khu du lịch quốc gia Ba Bể và phụ cận; Cụm khu ATK Chợ Đồn và phụ cận; Cụm Na Rì và phụ cận.

Hiện tại, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng tại thành phố Bắc Kạn khu vui chơi, giải trí, thương mại; khu du lịch hồ Nặm Cắt; động Áng Toòng.

Tại Ba Bể đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch mạo hiểm khám phá hang Thẳm Phầy; lắp đặt hệ thống chiếu sáng động Hua Mạ; xây dựng khu liên hợp ngã ba sông Năng; dịch vụ tắm và bơi thuyền trên hồ Ba Bể; dịch vụ xe ô tô điện vận chuyển khách trong khu vực hồ…

Để tiếp tục phát huy các giá trị di sản văn hóa, công tác quy hoạch cũng được quan tâm xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, như: Tuyên Quang - Bắc Kạn đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới Ba Bể - Na Hang; Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Ba bể; kế hoạch hợp tác, liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch mới; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, đặc thù của từng địa phương, tránh trùng lặp…

Với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh Bắc Kạn quyết tâm phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo việc làm, khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa và lịch sử của tỉnh./.

(Theo Báo Bắc Kạn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×