Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hoá nổi bật tại các tỉnh Nam Trung bộ từ ngày 2 -3/3

04/03/2018 | 17:01

Chương trình nghệ thuật thơ “Đồng hành cùng đất nước”; Hội thi hô hát Bài Chòi lần thứ I – 2018; Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê – Đà Nẵng… là những thông tin hoạt động văn hóa nổi bật diễn ra tại các tỉnh Nam Trung bộ trong 2 ngày qua.

Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Tại Bình Định: Ngày 2/3, tại Khu Di tích Tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), đã diễn ra chương trình nghệ thuật thơ “Đồng hành cùng đất nước” - hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI, tại Bình Định (Đêm thơ Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018), thu hút đông đảo công chúng yêu thơ trong tỉnh đến thưởng thức. Đây là sự kiện văn hóa thường niên do Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao phối hợp tổ chức. Chương trình nghệ thuật thơ “Đồng hành cùng đất nước” có 15 tiết mục thơ và nhạc, được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng như đọc, ngâm, trình diễn thơ và hát kèm múa minh họa.

Tại Quảng Nam: Nhằm tôn vinh nghệ thuật bài chòi và tìm kiếm những nhân tố mới, ngày 2/3, Trung tâm Văn hóa – Thể thao TP.Hội An tổ chức Hội thi hô hát bài chòi lần thứ I - 2018 với sự tham gia của 13 xã, phường trên địa bàn thành phố. Các diễn viên tham gia với 2 hình thức: thi hát đơn và thi hát đội. Nội dung 3 phần gồm: giới thiệu về trò chơi bài chòi; thi hô hát các quân bài; ngẫu hứng hô bài chòi. Đặc biệt, các anh Hiệu, chị Hiệu có thể hô tên con (quân) bài theo bài bản truyền thống (lời cổ) hoặc đặt lời mới phù hợp chủ đề của cuộc thi với phong cách trình diễn vui nhộn, truyền cảm, nhí nhảnh… Đây là lần đầu tiên TP.Hội An tổ chức một hội thi hô hát bài chòi, nhằm mục đích bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi trong công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Tại Đà Nẵng:  Ngày 3/3, lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê - một trong những lễ hội độc đáo của Đà Nẵng - diễn ra với các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển. Năm 2016, lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, lễ hội cầu ngư được các địa phương chú trọng tổ chức, người dân cũng hào hứng tham gia hơn. Ngoài yếu tố văn hóa tâm linh, lễ hội cầu ngư còn là dịp để người dân vùng biển hòa trong không khí lễ hội với các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: đan lưới, kéo co, ẩm thực biển, ngoáy thúng…, tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.

Tại Quảng Ngãi: Ngày 2/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Chương trình biểu diễn thơ và nhạc phổ thơ nhân Ngày thơ Việt Nam năm 2018 với chủ đề ‘Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước’. Ngày thơ Việt Nam là một trong những hoạt động được Hội văn học nghệ thuật (VHNT) các địa phương tổ chức thường niên. Ngày thơ năm nay, các hội viên đến từ Hội VHNT tỉnh đã gửi tới các tác phẩm thơ và nhạc phổ thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ Quảng Ngãi trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tạo Quảng Ngãi với chủ đề “ VHNT đồng hành cùng đất nước’ nhằm tôn vinh giá trị của thơ ca và nhắc nhớ lòng yêu thương đất nước, quê hương đối với những người con Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

Cũng tại Quảng Ngãi: Ngày 2/3, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở VHTTDL và huyện Ba Tơ tổ chức họp báo chuyên đề về tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968- 16/3/2018) và lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt di tích lịch sử địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục và ôn lại truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Ba Tơ nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó, phát huy, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.

Tại Bình Thuận: Ngày 2/3, tại khuôn viên tượng đài Chiến Thắng, Chi hội Văn học Phan Thiết phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 - Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018 với chủ đề “Giới thiệu tác giả - tác phẩm”, thu hút đông văn nghệ sĩ địa phương và khán giả yêu thơ đã đến thưởng thức. Đêm thơ lần lượt giới thiệu đến khán giả những bài thơ của các nhà thơ địa phương như Nam Hà, Vương Đại Lợi, Võ Nguyên, Nguyễn Thị Liên Tâm… viết về quê hương đang từng ngày đổi mới và phát triển. Xen kẽ các tiết mục diễn ngâm thơ là những ca khúc rộn ràng về mùa xuân do các giọng ca của Trung tâm văn hóa thành phố biểu diễn làm cho không gian đêm Nguyên tiêu càng thêm ấm áp và phấn khởi. Dịp này, Ban tổ chức đã tặng hoa chúc mừng 4 nhà thơ thuộc Chi hội Văn học Phan Thiết nhận giải thưởng “Văn học Nghệ thuật Dục Thanh lần thứ 5/2017” do tỉnh Bình Thuận trao tặng.

Tại Ninh Thuận: Ngày 2/3, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI- 2018 với chủ đề “Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước”. Ngày thơ Việt Nam năm nay được mở đầu với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam do Nghệ sĩ Thân Đức Khoa thể hiện. Tiếp đến là chương trình giao lưu thơ nhạc gồm 10 tác phẩm với chủ đề ”Khúc giao hòa đầu xuân”. Ngày thơ đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người yêu thơ./.

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×