Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hóa nổi bật các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng từ ngày 25-28/2

01/03/2018 | 15:29

Không du xuân, liên hoan tiệc tùng sa đà, lãng phí; Sắp diễn ra Lễ hội hoa hồng 2018; Chuẩn bị 18 vạn túi lương cho lễ hội phát lương Đức Thánh Trần; Đón Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Minh Thề; Khai hội Lim Bắc Ninh... là những thông tin văn hóa nổi bật các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ 25 - 28/2.

Hát quan họ dưới thuyền. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Hà Nội: Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Các cơ quan không tổ chức du xuân, liên hoan, sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc; biểu thị quyết tâm đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sản xuất kinh doanh hiệu quả; Tuyệt đối không đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các cơ quan, địa phương không tham gia lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tăng cường công tác quản lý về tổ chức lễ hội, bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực tại các lễ hội.

Cũng tại Hà Nội: Lễ hội Hoa hồng Bulgaria 2018 sẽ diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây từ ngày 8 đến 11/3/2018. Lễ hội diễn ra nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Bulgaria ngày 03/03/2018 và kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Bulgaria. Theo đó hơn 1.000 cây hồng Bulgaria với hơn 100 loại hồng khác nhau sẽ được trưng bày tại lễ hội.

Năm nay, bên cạnh các cây hồng đến từ Bulgaria, lễ hội sẽ trưng bày các cây hồng cổ của Việt Nam. Đặc biệt, các cây hồng được các nhà thiết kế cảnh quan trưng bày thành tác phẩm nghệ thuật mang phong cách tạo hình đương đại Châu Âu lãng mạn như “Con đường Hoa hồng mùa xuân”, “Ngôi nhà Hoa hồng – Tình yêu”, “Khu rừng Châu Âu”.

Hà Nam: Lễ phát lương Đức Thánh Trần năm 2018 được tổ chức từ đêm 1-3 đến ngày 3-3-2018 (tức đêm 14 đến ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.  Việc tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, động viên nhân dân phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn... Năm nay, Ban Tổ chức đã chuẩn bị 18 vạn túi lương để phát tại các điểm quanh khu vực đền.  Bên cạnh đó, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lễ hội, Công an tỉnh Hà Nam đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trên địa bàn. 

Thái Bình: Tối 28/2 (tức 13 tháng Giêng), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ và lăng mộ các vua Trần, UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình đã tổ chức khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2018. Hàng ngàn du khách thập phương đã đến dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị vua Trần tại mảnh đất phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần với hào khí Đông A lừng lẫy.

Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) nhằm tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu. Lễ hội góp phần gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của miền đất thiêng Long Hưng xưa, Hưng Hà ngày nay. Lễ hội Đền Trần Thái Bình sẽ diễn ra đến ngày 5/3 (tức ngày 18 tháng Giêng).

Hải Phòng: Lễ đón Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và lễ khai hội Minh Thề - thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư đã diễn ra sáng 14 tháng Giêng (1/3/2018), tại cụm di tích đền chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Lễ hội Minh Thề tôn vinh một cách sống của người dân, một văn hóa của người làm quan xưa. Thông qua các hoạt động, lễ hội nhằm giáo dục mọi người từ chức sắc, nhân dân dùng của công vào việc công. Hồn cốt, tư tưởng đặc sắc của lễ hội ở chỗ, tu tâm, tích đức, làm việc thiện, chớ làm việc ác, không lấy của công làm việc tư, chấp hành hương ước làng xã, thượng tôn pháp luật, chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết. Đây là một trong số những lễ hội không có vụ lợi, không xô bồ và bị thương mại hoá.

Bắc Ninh: Ngày 27/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Hội Lim – lễ hội quan họ lớn nhất trên địa bàn tình Bắc Ninh đã chính thức khai hội tại thị trấn Lim, huyệnTiên Du. Hội Lim năm nay diễn ra vào ngày 27, 28/ 2 (tức ngày 12, 13 tháng Giêng) tại thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão thu hút hàng nghìn lượt nhân dân và du khách thập phương tham dự. Bên cạnh các hoạt động tế lễ, hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự tại Hội Lim là "bữa tiệc" ​quan họ đặc sắc do các liền anh, liền chị tại các câu lạc bộ quan họ biểu diễn với nhiều hình thức trong một không gian rộng lớn từ hát trên đồi Lim đến các làng, xã trong khu vực, từ hát trên sân khấu, hát dưới thuyền, hát cửa đình, cửa chùa đến hát canh trong nhà chứa Quan họ, tại gia đình nghệ nhân...

Nam Định: Lễ rước Nước, tế Cá (một trong các nghi thức trong chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Mậu Tuất 2018) đã diễn ra ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức ngày 27-2-2018) tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Đây là nghi lễ quan trọng, tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa tại Đền Trần. Nghi lễ này ngoài việc tri ân công lao của triều đại Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài, còn mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

GL (th)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×