Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hóa nổi bật các tỉnh Tây Bắc bộ từ ngày 01- 04/3/2018

05/03/2018 | 09:32

Tưng bừng Khai hội Đình Khênh (Hòa Bình); Lễ công bố DSVHPVT quốc gia đối với Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông, ngành Mông hoa (Môngz Lênhs) xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên; Lễ hội Đền Cô (xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai )… là những hoạt động văn hóa nổi bật tại các tỉnh Tây Bắc bộ từ 01 – 04/3/2018.

Tại Hòa Bình: Ngày 01/3, đã diễn ra lễ khai hội Đình Khênh, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là một lễ hội chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường huyện Lạc Sơn. Trong lễ hội tái hiện lại nghi lễ tưởng nhớ những người có công kết hợp với việc tái hiện lại các tích phả; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người đều có sức khỏe. Lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Mường xã Văn Sơn và những vùng lân cận.

Lễ thả chim cầu bình an trong lễ hội Đền Mẫu Nam Cường. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Tại Sơn La: Đêm 01/3, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018, mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước; nhân dịp tết Nguyên tiêu. Với chủ đề “Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước”, xuyên suốt chương trình, khán giả được hòa mình trong không khí hào hùng mà sâu lắng qua phần trình diễn ngâm thơ, đan xen hát múa, giữa nền nhạc trầm bổng, làm nổi bật chủ đề ngợi ca quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc, do các nhà thơ, ca sĩ, các đoàn viên thanh niên lực lương vũ trang, các đơn vị, trường học thể hiện, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán thính giả. Kết thúc bằng chương trình lửa trại “Vòng xòe yêu thương” sôi động, cuốn hút, góp phần làm nên thành công Ngày thơ Việt Nam tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh.

Tại Yên Bái: Ngày 02/3, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái đã tổ chức khai hội đền Mẫu Nam Cường. Lễ hội đền Mẫu Nam Cường diễn ra với 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: lễ dâng hương, lễ thả chim cầu bình an, lễ tôn vinh, mừng thọ 57 bậc cao niên trong phường.Đồng thời, trao tặng 29 suất quà cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động vui chơi, mang tính cộng đồng như: đua thuyền, kéo co, cờ tướng, bóng chuyền... Lễ hội đền Mẫu Nam Cường được tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc của nhân dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước. 

Lãnh đạo huyện Mường Chà đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa
phi vật thể cấp quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Tại Điện Biên: Tối 3/3, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông, ngành Mông hoa (Môngz Lênhs) xã Sa Lông.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống là nét văn hóa độc đáo được người Mông ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà lưu giữ từ lâu đời. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải để tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo, tinh tế, nhuần nhị và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông, ngành Mông hoa (Môngz Lênhs) xã Sa Lông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Lào Cai: Ngày 4/3, tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai phối hợp UBND huyện Văn Bàn tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Cô, Tân An. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh.

Điểm nhấn trong chương trình khai mạc lễ hội năm nay là phần trình diễn nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Tứ phủ của đạo Mẫu Việt Nam với các giá hầu được lựa chọn phù hợp không gian linh thiêng của lễ hội, của các bản hội thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua đây, hàng nghìn người dân tham dự đã có dịp tìm hiểu về nét đặc sắc trong trang phục, âm nhạc cũng như ý nghĩa của từng giá hầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu./.


Anh Vũ (Tổng hợp)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×