Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hóa nổi bật các tỉnh đồng bằng sông Hồng từ ngày 01-05/3

05/03/2018 | 10:08

Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018 tại Hà Nội đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng; Khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc và công bố Quyết định công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia; Khai hội Kinh Dương Vương tại Bắc Ninh; Lễ phát lương đền Trần Thương Xuân Mậu Tuất tại Hà Nam; Đền Như Độ - Ninh Bình đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia; Khai hội Đền Quan – Thái Bình; Lễ hội Khai ấn Đền Trần – Nam Định là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng từ ngày 01- 05/3.

Phố sách xuân Mậu Tuất. Nguồn: toquoc.vn

Hà Nội: Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018, diễn ra từ ngày 18 đến 25-2 với sự tham gia của 16 gian hàng sách hoạt động tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và một số gian hàng được lựa chọn bổ sung. Theo thống kê sơ bộ của Ban tổ chức, doanh thu từ hoạt động phát hành sách tại Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018 đạt hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tổng số bản sách bán ra là trên 80.000 bản.

Những tên sách được bạn đọc quan tâm nhất tại Phố Sách Xuân năm nay gồm: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật), “Lược sử nước Việt bằng tranh” (Nhà xuất bản Kim Đồng), “Món ăn Hà Nội xưa” (Nhà xuất bản Phụ nữ), “Think and grow rich” (Công ty cổ phần Sách Thái Hà liên kết Nhà xuất bản Lao động - Xã hội), “Hội hè Lễ Tết của người Việt” (Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết Nhà xuất bản Hội Nhà văn), “Khởi nguồn cho một nền kinh tế mới” (Công ty cổ phần Sách Alpha phối hợp Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân)...

Hải Dương: Sáng 3/3 (tức ngày 16 tháng giêng âm lịch), lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia đã long trọng diễn ra tại Hải Dương.

Côn Sơn-Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc, công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2018 được tổ chức từ ngày 1-10/3/2018 (tức ngày 14-23 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi mang đậm chất truyền thống, dân gian hấp dẫn.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia "Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi" là bảo vật quốc gia cho đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương. Bia "Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi" là một tư liệu quý về văn học, sử học, mỹ thuật, nhất là đối với việc nghiên cứu lịch sử phát triển của chùa Côn Sơn. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ 18, là nơi trụ trì của Đệ tam thánh Tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta.

Bắc Ninh: Ngày 3-3, tức ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Lễ khai hội Kinh Dương Vương, kỷ niệm 4897 năm Thủy tổ khai sinh mở nước đã long trọng diễn ra tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Quần thể Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương – Đức Thủy tổ Việt Nam (thôn Á Lữ-Đại Đồng Thành) là Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia quan trọng của cả nước, là dấu ấn lịch sử về cội nguồn dân tộc. Các triều đại phong kiến Việt Nam luôn xếp di tích này vào loại miếu thờ Đế vương. Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức hàng năm là dịp để mỗi người dân đất Việt bày tỏ sự tri ân Đức Thủy tổ khai sinh mở nước và thể hiện lòng tự hào dân tộc, đồng thời tôn vinh, gìn giữ văn hóa truyền thống Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Hà Nam: Lễ phát lương đền Trần Thương Xuân Mậu Tuất năm 2018

Đêm ngày 01/3/2018 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại đền Trần Thương, UBND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ phát lương Đức Thánh Trần Xuân Mậu Tuất năm 2018.

Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức nhằm tái hiện cảnh “Phát quân lương" khao quân của quân đội nhà Trần và để tưởng nhớ công lao của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Đặc biệt, năm nay, Ban Tổ chức không phát lương trong đền mà phát lương ở 38 điểm thuộc khu vực sân Tâm linh, miếu Thổ Thần, phía ngoài cổng đền. Hơn 18 vạn túi lương đã được BTC chuẩn bị để phát cho nhân dân.  

Việc tổ chức lễ hội phát lương đầu năm tại đền góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.

Ninh Bình: Ngày 3/3, tại Đền Như Độ (xã Như Hòa), UBND huyện Kim Sơn đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền Như Độ xã Như Hòa là một trong những di tích đầu tiên được xây dựng sau khi thành lập huyện Kim Sơn. Ngôi đền thờ thành hoàng làng Hương Mai đại vương Trần Nguyên Hãng- vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước vào thời nhà Trần và thờ cụ chiêu mộ Doãn Dư cùng các nguyên mộ, thứ mộ, tân mộ đã có công khai hoang lấn biển lập nên Ấp Như Độ.

Thái Bình: Sáng ngày 4/3 (Tức ngày 17 tháng Giêng âm lịch) tại Di tích lịch sử cách mạng văn hóa Đền Quan, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình đã diễn ra lễ khai hội Đền Quan năm 2018. Đền Quan được xây dựng vào đời Đường (năm 905), đền thờ quan Tiết chế Nam đạo Đại thần tướng Trần Thắng, người có công giúp nhân dân dẹp giặc và trị thủy sông Trà thuộc Kỳ Bố Hải Khẩu.

Lễ hội Đền Quan năm 2018 diễn ra trong 2 ngày 4 – 5/3 (tức 17,18 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian đặc sắc.

Nam Định: Lễ hội Khai ấn Đền Trần xuân Mậu Tuất 2018 đã long trọng diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng (tức ngày 1-3-2018) tại Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hàng năm, Lễ hội Khai ấn Đền Trần tổ chức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng (tức từ ngày 26-2 đến ngày 3-3-2018). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng tổ chức lễ rước Nước, tế Cá. Lễ Khai ấn được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, diễn ra vào 23 giờ 15 phút (giờ Tý) đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng (tức đêm ngày 1-3 rạng sáng ngày 2-3-2018), có nghi thức rước kiệu Ấn từ Đền Cố Trạch thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sang Đền Thiên Trường và long trọng làm Lễ Khai ấn.

Năm nay, để tổ chức tốt chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Mậu Tuất 2018, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 4 tiểu ban: nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần; phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…/.

GL (th)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×