Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Gìn giữ nghệ thuật hát Ca trù

25/01/2024 | 10:23

Trước thực trạng nghệ thuật hát Ca trù có nguy cơ mai một, thời gian qua Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh nỗ lực đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Ca trù trong cộng đồng.

Bắc Ninh có 3 địa phương còn lưu giữ và có câu lạc bộ hát Ca trù còn hoạt động là Thanh Khương (thị xã Thuận Thành); thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh (Gia Bình); thôn Thượng Thôn, xã Đông Tiến (Yên Phong). Tuy nhiên các CLB này hoạt động cầm chừng, thiếu đội ngũ kế cận và đang đứng trước nguy cơ không còn người thực hành, gìn giữ, phát huy di sản. Với những giá trị đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật hát Ca trù đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mở các lớp học hát Ca trù động viên, khích lệ thành viên các CLB đang thực hành di sản và một số người yêu thích bộ môn nghệ thuật này theo học. Mỗi lớp học hát Ca trù được tổ chức từ 2-3 tháng, thu hút khoảng hơn 30 học viên, do các nghệ nhân dân gian và Viện Âm nhạc Việt Nam về truyền dạy. Thông qua lớp truyền dạy, học viên được dạy cách sử dụng đàn đáy, bộ phách gõ lấy nhịp và hát Ca trù, thực hành trên đàn đáy, trống, phách tại lớp. Sau 5 năm có khoảng gần 100 học viên, ca nương, kép đàn, trống chầu tham gia tập huấn phần nào tái hiện nét độc đáo của nghệ thuật Ca trù qua các tiết mục đặc sắc như “Gửi thư”, “ Xẩm huê tình”, “Đào hồng đào tuyết, “hát múa Bỏ bộ”…

Để thực hành tốt di sản, vừa qua Trung tâm Văn hóa tỉnh thành lập CLB Ca trù tỉnh Bắc Ninh thu hút 54 thành viên tham gia đến từ 3 CLB hiện đang lưu giữ di sản là: Thanh Khương, Thượng Thôn, Tiểu Than và một số thành viên ở thành phố Bắc Ninh với mong muốn CLB là nòng cốt để trình diễn di sản tại các điểm du lịch của tỉnh thời gian tới. Vì vậy, CLB đang tích cực tập luyện nâng cao kỹ năng hát Ca trù. Mỗi tháng CLB sinh hoạt tập trung tại Trung tâm Văn hóa tỉnh 2 buổi và sinh hoạt theo các nhóm mỗi tuần 1 buổi. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên tập luyện các thể cách chính, kỹ thuật đánh phách làm sao để hòa quện giữa đàn và trống được nhịp nhàng.

Bắc Ninh: Gìn giữ nghệ thuật hát Ca trù - Ảnh 1.

Một buổi tập luyện của CLB Ca trù tỉnh

Chị Chu Phương Anh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Chủ nhiệm CLB Ca trù tỉnh cho biết: Cả nước hiện có 15 tỉnh còn lưu giữ được Ca trù trong đó có Bắc Ninh. Ca trù là một bộ môn bác học, kén người nghe, người học thì phải kiên trì và yêu thích mới theo đuổi được. Người học hát Ca trù phải học từ cách mặc quần áo, cách ngồi hát, trình diễn đều theo quy luật, rất lịch sự, trang trọng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển CLB theo hướng ngoài gìn giữ nét truyền thống, độc đáo của Ca trù sẽ kết hợp tinh tế mới trong quá trình thực hành di sản, để thu hút khán giả ví như cho thêm múa dân gian vào trong trình diễn…

Bắc Ninh còn lưu giữ khoảng 30 thể cách Ca trù chính, trong đó các thành viên CLB Ca trù tỉnh đã thuộc được hơn 20 thể cách. Ca trù gồm có các nhạc cụ chính là đàn đáy, phách, trống chầu… Tiếng hát của ca nương được ví như linh hồn của bộ môn nghệ thuật này, vì thế, các ca nương của CLB Ca trù tỉnh không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng thực hành di sản. Với tinh thần, trách nhiệm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Ca trù, các thành viên CLB Ca trù tỉnh hoạt động trên tinh thần tự giác bằng niềm đam mê, họ tự mua sắm trang bị dụng cụ tập luyện như đàn, phách, trống, xiêm y…

Nhạc sĩ Ngọc Lương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh), Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù tỉnh tâm huyết: Việc thành lập được CLB Ca trù tỉnh mở ra hướng mới trong gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật này. Với những giá trị đặc sắc của di sản Ca trù và những hướng đi đúng đắn trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, tôi tin rằng nghệ thuật hát Ca trù của Bắc Ninh sẽ được quảng bá, lan tỏa sâu rộng tới người dân và đông đảo du khách thập phương khi về thăm quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, du lịch của tỉnh.

Cùng với việc mở lớp truyền dạy Ca trù và thành lập CLB cấp tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các Liên hoan hát Ca trù  tỉnh Bắc Ninh; xây dựng các tiết mục hát Ca trù tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ các cấp, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội; hướng dẫn các câu lạc bộ, các nhóm duy trì hoạt động, thường xuyên luyện tập, giao lưu giữa các nhóm hát Ca trù… Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm của loại hình nghệ thuật hát Ca trù; đầu tư kinh phí mua trang thiết bị, đạo cụ, trang phục… để phục vụ công tác truyền dạy, tập luyện, hoạt động thực hành biểu diễn…

Với nhiều giải pháp trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản hát Ca trù trên địa bàn tỉnh không chỉ động viên, khích lệ, tiếp thêm động lực cho những người đang nắm giữ và thực hành di sản mà còn góp phần quảng bá hình ảnh một Bắc Ninh giàu truyền thống văn hóa với nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc vẫn luôn được thế hệ sau trân trọng, gìn giữ.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×