Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

5 vấn đề cấp bách để phát triển du lịch Bình Định

28/08/2017 | 10:05

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Du lịch, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nêu ra 5 vấn đề cấp bách yêu cầu Sở Du lịch tổ chức thực hiện để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ghềnh Ráng (Bình Định). Ảnh: achau.net

Theo Báo cáo của Sở Du lịch, đến hết tháng 8/2017, toàn tỉnh ước đón được 2.712.600 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 76,4% so với kế hoạch được giao năm 2017. Doanh thu du lịch thuần túy ước đạt 1.455 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 78% so với kế hoạch được giao năm 2017. Các chương trình, hoạt động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 và Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất; phát triển sản phẩm du lịch và tổ chức không gian du lịch; thu hút đầu tư phát triển du lịch; quản lý nhà nước về môi trường du lịch; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch...

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: cơ sở hạ tầng thiếu (rất hiếm khách sạn 3 sao trở lên), phương tiện vận tải phục vụ cho du lịch từ đường hàng không đến đường bộ đều khó; sản phẩm du lịch rất nghèo nên hạn chế trong “giữ chân” khách (bình quân chỉ 2,5 ngày/lượt khách, đặc biệt là những dịch vụ đi kèm như ăn uống, quà lưu niệm còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, môi trường du lịch cũng chưa đảm bảo.

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế phát triển du lịch bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu, trước hết là tiếp tục quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh, nhất là Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch tham mưu, đề xuất, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng, homestay...

Nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, xã hội hóa rất cao, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý, Sở Du lịch phải liên kết với các sở, ngành, các lĩnh vực khác có liên quan để tổ chức quản lý, khai thác, hình thành nên các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng. Đồng thời, liên kết với các địa phương trong cả nước có thế mạnh về du lịch, tạo nên chuỗi liên kết phát triển du lịch.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành nhằm kiểm soát chất lượng hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, điểm đến, tour du lịch... tránh tình trạng “đeo bám”, “chèo kéo”, “cò mồi”, “chặt chém” khách du lịch... Trong đó, quan trọng là thành lập ngay Đội kiểm tra liên ngành du lịch.

"Đặc biệt, là phải đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Cuối cùng là đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực cả về quản lý nhà nước và người lao động phục vụ trong ngành du lịch; riêng với Sở Du lịch vừa tách bộ máy hoạt động, trong thời điểm này phải đảm bảo vừa xây dựng vừa củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, viên chức..." - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh./.

Lan Phạm (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×